Công nghệ sản xuất thuốc vaccine ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu được phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hiện mới chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp được phép sản xuất thuốc vaccine thú y được phép hoạt động trong đó có 4 doanh nghiệp nhà nước và 6 doanh nghiệp tư nhân.
Đa số các công đoạn sản xuất thuốc vaccine thú ý Việt Nam vẫn mang tính chất thủ công, Vì vậy, chất lượng và giá thành của vaccine khó cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Chủng loại vaccine cũng bị giới hạn do năng lực nghiên cứu phát triển ở Việt Nam chưa được đầu tư thích đáng.
Hiện nay, với thuốc thú y, Việt Nam đã có tới gần 100 doanh nghiệp sản xuất và chủ động cung cấp tới 80-85% nhu cầu trong nước. Trong khi đó, với việc sản xuất vaccine thì ngược lại. Theo thống kê, nước ta mới chỉ tự cung cấp được 10-15% số vaccine dùng trong chăn nuôi, còn lại 85-90% thị trường vaccine thú y đang bị nước ngoài chiếm lĩnh.
Trước những nhu cầu rất lớn của thị trường, Công ty Cổ phần dược Hanvet đã đề xuất triển khai dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vaccine virus thú y đạt chuẩn GMP – WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) – Bộ Khoa học Công nghệ.
Quy trình sản xuất thuốc thú y của Công ty Cổ phần Dược Hanvet
Dự án được triển khai với mục tiêu: Dây chuyền sản xuất vaccine virus trên phôi trứng sẽ đạt công suất 200 triệu liều/ năm; Dây chuyền sản xuất vaccine virus bằng công nghệ nuôi cấy tế bào trên chất mang (Microcarrier) công suất trên 200 triệu liều/ năm; Vaccine ứng dụng bước đầu công nghệ nuôi cấy trên Microcarrier bao gồm: Tai xanh, dịch tả lợn, đậu gà; Vaccine ứng dụng bước đầu công nghệ trên phôi trứng bao gồm: Dịch tả vịt; Lasota.
Đây được xem là một sự án mang tính cấp thiết và định hướng phát triển của thị trường chăn nuôi Việt Nam tầm nhìn 2030-2040. Dự án thành công sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất vaccine thú y trong nước, giúp chúng ta có thể tự chủ về vaccine và giá thành cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Đại diện công ty Hanvet cho biết, với sự hỗ trợ từ NATIF, sau một thời gian nghiên cứu, hiện nay năng suất và quy mô sản xuất của doanh nghiệp được tăng lên, quy trình sản xuất được tối ưu hoá đã giúp giảm giá thành sản phẩm sự án xuống ½ so với thời điểm trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, công thức phối trộn, chất bổ trợ đã được cải tiến giúp vaccine ổn định hơn trong quá trình bảo quản: Vaccine được sản xuất bằng công nghệ mới chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, trong khi đó các loại vaccine sản xuất trước đây phải bảo quản ở điều kiện nhiệt độ âm.
Bên cạnh đó, việc bảo quản lô mẻ lớn giúp tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao, quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từng công. Chất lượng vaccine đạt tiêu chuẩn quốc gia, Asean và tổ chưucs thú y thế giới OIE và tương đương với các sản phẩm cùng loại trên thế giới đang được nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam.
Mục tiêu của Hanvet sau khi kết thúc dự án là các sản phẩm vaccine của Hanvet sẽ tăng trưởng đều từ 15-20% mỗi năm. Như vậy, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng triệu USD tiền nhập khẩu vaccine.
Hiệu quả của dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vaccine virus thú y đạt chuẩn GMP – WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” được phản ánh rõ nét qua doanh thu từ các sản phẩm triển khai trong dự án. Cụ thể: năm 2020, trước khi kết thúc dự án, doanh thu 6 tháng đầu năm của Hanvet chỉ đạt khoảng 23,5 tỷ đồng với lợi nhuận khoảng 2,3 tỷ đồng. Đến 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu của công ty đã đạt trên 29 tỷ đồng với lợi nhuận tạm tính là trên 3 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 334 triệu đồng tiền thuế, tăng 12,4% về doanh thu và 13% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2020.
Theo ông Trần Văn Khánh – Phó giám đốc Công ty Dược Hanvet, dự án được triển khai thành công đã giúp cho Hanvet chuyển mình đổi mới hoàn toàn công nghệ trong sản xuất vaccine thú y. Trở thành doanh nghiệp có công nghệ sản xuất vaccine thú y hiện đại dẫn đầu cả nước.