Anh Lê Minh Tuấn, Giám đốc một công ty du lịch ở quận Tân Bình (Tp.HCM) - là đại lý cấp một đặt phòng khách sạn cho một số chuỗi resort, khách sạn lớn ở Nha Trang và Phú Quốc, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu và lợi nhuận năm nay của công ty có thể sụt giảm 50 - 70% vì khách Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất.
“Phép thử” mùa dịch
“Tuần rồi, tôi đã phải chuyển trả lại 20 tỷ đồng tiền đặt cọc đặt phòng khách sạn cho đại diện một đối tác Trung Quốc ở Tp.HCM. Mùa dịch này rảnh rồi, khách Trung Quốc huỷ hết booking (đặt phòng) khách rồi, chắc sẽ rảnh tới tháng 5 luôn”, anh Tuấn chia sẻ.
Là một doanh nghiệp (DN) thuộc dạng nhỏ, bộ máy tinh gọn, lại không còn chú trọng phát triển mảng du lịch lữ hành trong nước và quốc tế như trước kia mà chỉ tập trung làm đại lý du lịch trực tuyến, nên theo anh Tuấn, khi chịu tác động từ dịch bệnh, công ty không gặp nhiều áp lực về mặt nhân sự, nhưng việc tìm nguồn khách mới ngoài Trung Quốc lại là một thách thức không nhỏ.
Trong khi đó, ở giữa thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từng ngày, việc mua khẩu trang, nước sát trùng… khan hiếm, tại một phiên chợ xanh được tổ chức đầu tiên sau Tết Nguyên đán ở Tp.HCM, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy, Giám đốc một công ty chuyên sản xuất tinh dầu ở Đồng Tháp, đã thực hiện ý tưởng tặng hơn 2.000 chai tinh dầu sát khuẩn cho người đi chợ.
Có thể nghĩ đó vừa là một việc làm có ý nghĩa giữa thời dịch bệnh, vừa là một cách để công ty này quảng bá thương hiệu. Các chai tinh dầu chiết xuất từ các nguyên liệu có tinh dầu như bạc hà, sả chanh, sả java, tràm gió, quế… được hòa trộn cùng nhau rồi pha với cồn, vừa có chức năng kháng khuẩn vừa tạo mùi thơm và bảo vệ da tay…
Theo chị Thùy, từ đầu mùa dịch đến nay, đơn hàng mà công ty bán ra nhiều hơn so với mọi khi, bởi nhiều người đã biết dùng tinh dầu sát khuẩn để bảo vệ sức khỏe cho mình.
Ghi nhận ở một số địa phương tại các tỉnh phía Nam hiện nay cho thấy tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN vừa và nhỏ (DNVVN). Và chính quyền các địa phương cũng đang tìm cách tháo gỡ các khó khăn này.
Tại Tp.Cần Thơ, trong cuộc họp ngày 18/2 để bàn giải pháp giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, số liệu tổng hợp đến thời điểm hiện tại cho thấy, ngành dịch vụ du lịch, thương mại và dịch vụ vận tải đang bị ảnh hưởng rất nặng nề với doanh thu giảm từ 20-50%.
Lo “sức khỏe” nhà xuất khẩu nhỏ
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay, khách du lịch nội địa đến ĐBSCL giảm 50%, trong khi khách quốc tế giảm 40%.
Còn ở cuộc họp cùng ngày của UBND Tp.HCM về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị thành phố nên có kiến nghị về thuế hỗ trợ đối với ngành du lịch và các DN nhỏ lẻ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến lĩnh vực này.
Để ngăn đà suy giảm của 4 ngành công nghiệp trọng yếu trong quý I/2020, Chủ tịch UBND TPcũng yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu đề xuất các giải pháp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực nhằm tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bên cạnh “bài toán” đang làm đau đầu các chủ DNVVN thì “sức khoẻ” của các DNVVN trong hoạt động xuất khẩu (XK) ở thời điểm hiện nay cũng là điều đáng quan tâm.
Để đứng vững, thoát khỏi “bóng ma” Covid-19, vừa tham gia hoạt động XK, các DNVVNcần phải tiếp tục cải thiện năng lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD có đóng góp đầy nỗ lực của khối DN nhỏ trong hoạt động XK, bao gồm cả những DN XK nông sản.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý tỷ trọng kim ngạch XK của khối DNVVN vẫn còn khiêm tốn, chưa mang lại nhiều doanh thu và giá trị cho chính bản thân DN.
“Tức là đa số họ vẫn đầu tư theo kiểu bắt chước lẫn nhau, mở rộng theo số lượng và quy mô là nhiều mà không đầu tư hướng về công nghệ cao. Số DN đó thực tế không có nhiều và càng không có những sản phẩm mới. Rồi sức cạnh tranh từ sự khác biệt cũng là một vấn đề”, ông Dũng chia sẻ thêm về mặt hạn chế nội tại của các DN nhỏ trong nước ngoài nỗ lực tham gia XK.
Theo chuyên gia này, sự đầu tư của các DNVVN vẫn còn theo kiểu truyền thống từ trước đến giờ. Đó là tự mày mò, tự phát triển, rồi tự tìm kiếm thị phần, thị trường ở nước ngoài.
“Tất nhiên là vẫn có những nhà XK vừa và nhỏ trong nước chịu khó đi ra nước ngoài học hỏi chiến lược phát triển thị trường XK, cũng như theo dõi sát tình hình thời cuộc kinh tế và có đầu tư để có thể thay đổi chính bản thân họ. Tuy nhiên, con số DN như vậy chưa nhiều”, ông Dũng nói.
Tựu trung lại, để đứng vững, thoát khỏi “bóng ma” Covid-19, vừa tham gia hoạt động XK, giới chuyên gia khuyến nghị các DNVVNcần phải tiếp tục cải thiện năng lực nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-truoc-bai-toan-covid-19/20200219081851182"