Bà Đỗ Thị Thanh Thuỷ, phụ trách phòng kinh doanh của CTCP Nam Việt - chuyên xuất khẩu (XK) cá tra cho biết, kỳ vọng của công ty sau mùa dịch Covid-19 và khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào hiệu lực thì đơn hàng mới sẽ gia tăng, sản lượng XK có thể tăng lên 30% so với hiện nay.
Trông chờ 6 tháng cuối năm
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, thiếu đơn hàng mới nên sản lượng XK của công ty này đã giảm đến 50%, chỉ đạt sản lượng XK khoảng 150 tấn cá tra cho mỗi tháng.
Là DN hàng đầu về XK cá tra ở tỉnh An Giang, tuy nhiên, như chia sẻ của bà Thuỷ, các DN chế biến đều rơi vào tình trạng khó khăn chung khi thiếu đơn hàng mới và rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan để vượt qua giai đoạn này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Định Khuê (Tây Ninh), sản phẩm chế biến tinh bột sắn của công ty lâu nay chỉ XK sang thị trường Trung Quốc (chiếm 80 - 90%), nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với thương chiến Mỹ - Trung nên việc XK sang thị trường này thời gian qua giảm sút, còn hoạt động sản xuất chế biến tinh bột sắn ở tỉnh Tây Ninh đang gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới.
Do đó, bà Khuê rất mong trong thời gian tới có sự hỗ trợ về mặt xúc tiến thương mại và thông tin thị trường để mặt hàng tinh bột sắn có thể có đơn hàng XK mới ở các thị trường chủ lực khác ngoài thị trường Trung Quốc.
Trong báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn ở 6 tháng cuối năm 2020 so với 6 tháng đầu năm nay.
Theo đó, có 56,2% DN dự báo tăng và 31,9% DN dự báo giữ ổn định, trong khi chỉ có 11,9% DN tỏ ra bi quan và dự báo giảm. Đặc biệt là trong quý III/2020 thì có tới 81,7% DN dự báo số lượng đơn hàng mới khả quan.
Riêng về dự báo đơn hàng XK quý III/2020 so với quý II/2020, qua kết quả khảo sát các DN thì thấy rằng khu vực DN nhà nước có tỷ lệ dự báo khả quan nhất với 87,4% DN dự báo tăng và giữ ổn định. Còn tỷ lệ dự báo tăng ở khu vực DN ngoài nhà nước là 78,2% và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tỷ lệ 77,0%.
Giới chuyên gia cho rằng sau dịch Covid - 19 thì một trong các vấn đề tồn tại sống còn của các DN chế biến XK chính là việc tìm kiếm các đơn hàng mới. Do dịch bệnh trên thế giới chưa thuyên giảm nên đơn hàng mới đối với nhiều DN là cả thách thức lớn.
Điều này có thể thấy ở ngành chế biến thuỷ sản, kim ngạch XK trong tháng 6 vừa qua tiếp tục sụt giảm 10% so với tháng trước đó, chỉ đạt 626 triệu USD. Và tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lên “kịch bản” phát triển thị trường
Dịch bệnh khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%. Vì ảnh hưởng đại dịch kéo dài trên thế giới dẫn đến giãn cách xã hội, nên kênh phân phối thuỷ sản dùng trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ (Horeca) trên thế giới ngưng trệ, tiêu thụ các loài thủy sản chính cho phân khúc này giảm mạnh khiến nhiều DN XK thuỷ sản ở Việt Nam giảm hẳn đơn hàng mới.
Hoặc như ngành chế biến gỗ XK, do tác động của đại dịch nên lượng đơn hàng của nhiều DN giảm trên 50%. Thậm chí có nhiều DN đã đóng cửa vì không nhận được đơn hàng nào hoặc có những DN nhập khẩu gỗ không dám ký đơn hàng mới do lo ngại dịch bệnh.
Hay ở ngành dệt may, theo phản ánh của các DN dệt may ở tỉnh Đồng Nai thì giao thương vẫn còn hạn chế do dịch bệnh, việc đàm phán các đơn hàng mới hiện rất khó khăn. Rào cản lớn trong việc tìm đơn hàng mới trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn ra trên thế giới là phía DN không thể tự do đi các nước để giới thiệu, đàm phán các đơn hàng.
Như chia sẻ của ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Tổng công ty may Đồng Nai, hiện nay vẫn còn nhiều DN trên lĩnh vực dệt may gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Tình hình XK may mặc hiện nay đã khá hơn, nhưng thị trường vẫn chưa khơi thông được hoàn toàn như trước khi xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh sự kỳ vọng của DN chế biến về đơn hàng mới có thể gia tăng trong quý III năm nay, giới chuyên gia cho rằng các DN cùng với các cơ quan có liên quan cần lên “kịch bản” khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà các DN Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.
Nhất là các DN chế biến cần nghiên cứu, nắm bắt thông tin về các xu thế sản xuất, tiêu dùng, thương mại, dịch chuyển đầu tư mới xuất hiện do ảnh hưởng của dịch Covid 19 tại các nước nhập khẩu cũng như đối thủ cạnh tranh. Từ đó, các DN có thể đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các thị trường XK để việc có đơn hàng mới được khơi thông hơn.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-che-bien-ngong-don-hang-moi-tu-evfta/20200708030355190"