Thực tế cho thấy, bên cạnh những tác động tiêu cực thì các cuộc khủng hoảng cũng có thể đóng vai trò là yếu tố kích thích cho sự tăng trưởng và phát triển. Đại dịch COVID-19 được ví như một phép thử dành cho doanh nghiệp (DN) và các mô hình kinh doanh.
Mặc dù dịch bệnh có tác động tiêu cực lên sự phát triển của kinh tế, tuy nhiên vẫn có nhiều tổ chức đang nắm bắt tốt xu hướng hiện tại và tận dụng các cơ hội của cuộc khủng hoảng này tạo ra để chuyển mình và tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, chỉ số "đổi mới, sáng tạo" của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Theo khảo sát, mức chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN Việt Nam hiện chỉ chiếm 1,6% doanh thu hàng năm, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Lào với 14,5%; Philippines 3,6% và Malaysia 2,6%.
Cũng theo kết quả một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, khoảng 80% DN cho biết chưa có hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Từ đó có thể thấy rằng tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ của Việt Nam còn khá thấp.
Hiện vẫn có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo
Bên cạnh những khó khăn gây cản trở cho DN trong quá trình đổi mới sáng tạo như hạn chế về công nghệ, nguồn vốn, đội ngũ lao động chất lượng cao, thiếu thông tin về cơ chế chính sách, các hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo. Tiềm lực về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số DN còn yếu… thì yếu tố có tính chất quyết định nhất chính là nội tại của DN.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chủ thể chính thực hiện đổi mới sáng tạo chính là cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tạo ra việc làm và tạo ra tăng trưởng. Chính vì vậy, để tiến hành đổi mới sáng tạo thành công, yếu tố quyết định then chốt chính là DN. Theo bà Tiêu Yến Trinh- Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, để có thể đổi mới sáng tạo thành công DN cần 7 yếu tố then chốt.
Thứ nhất, DN cần có chiến lược và mục tiêu kinh doanh và đổi mới sáng tạo rõ ràng.
Thứ hai, cần có sự cam kết, đồng hành tích cực từ toàn bộ lãnh đạo cấp cao.
Thứ ba, DN cũng cần xác định cụ thể những cột mốc quan trọng trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo để đưa ra những kế hoạch cũng như lộ trình phù hợp.
Thứ tư, DN cần chuẩn hoá quy trình nội bộ để thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo cũng như chuyển hoá văn hoá doanh nghiệp và cách thức quản lý phù hợp cho sự đổi mới và sáng tạo.
Thứ năm, DN cần chuẩn bị sẵn sàng, linh hoạt các nguồn lực để có thể cùng hợp tác, làm việc chung, liên phòng ban, liên dự án.
Thứ sáu, DN cần thúc đẩy chiến lược hợp tác đặc biệt với hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm mở ra cơ hội mới trong phát triển tổ chức dựa trên thành công đổi mới sáng tạo.
Thứ bảy, DN cần có chính sách khen thưởng rõ ràng, xứng đáng cho từng nhân viên, cho các dự án đổi mới sáng tạo.