Trong tháng 4, hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra quy mô nhỏ lẻ với phương thức, thủ đoạn vẫn là mang, vác hàng hóa qua các khu vực đường mòn, lối mở dọc biên giới, chủ yếu tập trung tại một số khu vực thuộc xã Tân Thanh (đồi Cao, Rọ Bon,...), xã Tân Mỹ (ngách Hang Dơi, đồi 386, khe Bà Lan) huyện Văn Lãng, sau đó hàng hóa được hợp thức bằng hóa đơn bán hàng, vận chuyển bằng xe ô tô, bằng dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính về nội địa theo các tuyến quốc lộ 1A, 1B,...
Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là quần áo may mặc sẵn, hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, mỹ phẩm, kể cả trà trộn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tình hình buôn lậu qua khu vực biên giới huyện Lộc Bình có giảm so với tháng trước, tuy nhiên vẫn còn một số nhập lậu nhỏ lẻ sản phẩm gia súc, dược liệu nhập lậu qua biên giới.
Tình hình gian lận thương mại khu vực biên giới chủ yếu các đối tượng lợi dụng kẽ hở của chính sách về hải quan, thuế, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới để gian lận về số lượng, số tiền thuế, giá ghi trên hóa đơn bán hàng, nguồn gốc hàng hóa. Trong khu vực nội địa, việc gian lận thương mại chủ yếu là nguồn gốc thực phẩm, đoa lường, chất lượng và giá hàng hóa.
Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh đã tham mưu Ban chỉ đạo 389 tỉnh làm việc với Ban chỉ đạo 389 huyện Lộc Bình về công tác chống buôn lậu gia súc, gia cầm; chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục đã ban hành 4 công văn, 2 kế hoạch để chỉ đạo đơn vị trực thuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021; kiểm tra hoạt động công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính, khảo sát, đánh giá việc triển khai, áp dụng Hệ thống xử phạt vi phạm hành chính INS…
Lãnh đạo Cục quyết liệt, sâu sát địa bàn, tham dự họp định kỳ 5 lượt với các đơn vị và tham gia kiểm tra thị trường được 10 lượt tại các điểm chợ, trung tâm thương mại trọng điểm và những nơi nổi cộm về tàng trữ, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp; chỉ đạo tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường; tổ chức các đoàn kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực, nắm tình hình tư tưởng công chức và người lao động, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Covid19.
Cục đã chỉ đạo, đăng ký xây dựng 1 chuyên đề về chương trình “Thật và Giả” phát trên Đài truyền hình VTV1 và 1 chuyên đề cho chương trình “Tuyên chiến với gian lận thương mại” phát trên Đài tiếng nói VOV1; phối hợp với một số cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, Cục triển khai tuyên truyền, ký cam kết các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá trên địa bàn không được tăng giá, ép giá, đầu cơ găm hàng; tuyên truyền, ký cam kết đối với các điểm hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh về việc chấp hành theo quy định của pháp luật về lưu thông hàng hóa.
Đơn vị tổ chức phát 41 tờ rơi, khuyến cáo; ký cam kết đến 122 lượt; thông qua kiểm tra, kiểm soát 1.847 lượt; thông qua phương tiện thông tin đại chúng 24 lượt; tuyên truyền lưu động qua xe tuyên truyền lưu động được 30 lượt.
Bộ phận QLTT tại Đội 389 tỉnh: Thường xuyên duy trì kiểm tra, nắm tình hình các khu vực địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động vận chuyển hàng lậu, tình hình tổ chức thực hiện công tác chống buôn lậu các đơn vị chức năng, kịp thời đề xuất cơ quan thường trực tham mưu Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo, phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp...
Kết quả, trong tháng lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra tổng số 349 vụ, số vụ vi phạm 258. Tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính gần 4,6 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,3 tỷ đồng. Buộc các đối tượng vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 221 triệu đồng.