Covid-19: Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận chính sách hỗ trợ, dù bị ảnh hưởng rất nặng nề

21/04/2020 16:07

Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, gia hạn thời gian nộp thuế, nhằm tháo gỡ khó khăn giúp DN duy trì sản xuất kinh doanh. Phía các DN cũng mong muốn để các chính sách đi vào thực tiễn cần phải được triển khai nhanh chóng và có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Thiếu nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, đóng cửa nhà máy… là thực tế phần lớn doanh nghiệp đang gặp phải do tác động của dịch Covid-19.

Trước những khó khăn đó, ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của chỉ thị đặt lên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Nhiều doanh nghiệp đang gặp phải do tác động của dịch Covid-19

 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, sau đã nâng lên 600.000 tỷ đồng).

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, Tổng Cục thuế đã ban hành công văn về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Riêng Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH vật liệu Hải Long (hoạt động lĩnh vực nhập khẩu phân phối hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM), hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ, Nhà nước có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ về đóng BHXH; giãn nợ, giảm lãi suất của ngân hàng, là rất đáng hoan nghênh.

“Từ sau Tết, khi dịch bùng phát, doanh nghiệp gặp khó khăn vì hoạt động bán hàng ngưng lại do nhu cầu giảm mạnh, tồn kho tăng. Doanh thu giảm mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì chi phí hoạt động trả lương cho nhân viên, dự trữ hàng nhập... tạo thêm áp lực chi phí mặt bằng. Trước tình hình khó khăn đó, Nhà nước dành quỹ hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với tình hình dịch bệnh nhằm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp cảm thấy rất phấn khởi”, bà Vân cho hay.

Còn ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn đánh giá: Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ, Bộ, ngành triển khai sau khi dịch bệnh Covid - 19 xảy ra là rất kịp thời nhằm động viên, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Doanh nghiệp mong ngóng gói hỗ trợ

Dù đánh giá cao những giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhưng đại diện các doanh nghiệp mong muốn để chính sách đi vào thực tiễn cần phải được triển khai nhanh chóng và có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Nguyễn Đặng Thanh, Giám đốc của một công ty xuất khẩu gỗ phân tích: Những chủ trương đưa ra là chủ trương chung và không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.

“Chẳng hạn như vấn đề đóng BHXH, theo quy định với những doanh nghiệp nào số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra thì mới được tạm dừng đóng BHXH.

Vậy với những doanh nghiệp đang gồng mình để duy trì hoạt động dù là lỗ thì không được ưu đãi dừng đóng BHXH. Do đó, cần phải xem lại chính sách đã hợp lý hay chưa?. Bởi vì, hiện nay số tiền đóng BHXH hàng tháng có doanh nghiệp đóng hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng”, ông Thanh nói.

Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn cho rằng, liên quan đến chính sách ngân hàng, hiện nay, đối với những hợp đồng tín dụng cũ để ngân hàng thương mại điều chỉnh hạ lãi suất cho vay; điều chỉnh giãn nợ vay, thời gian trả nợ là rất khó. Bởi lẽ, với ngân hàng thương mại là một đơn vị kinh doanh nên với những hợp đồng đã ký kết rồi bây giờ làm phụ lục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, kế hoạch thu của ngân hàng. Cho nên, chỉ có những hợp đồng tín dụng phát sinh mới có khả năng sẽ hạ lãi suất cho vay.

“Cụ thể, hiện nay doanh nghiệp chúng tôi có liên hệ với ngân hàng nhưng ngân hàng không điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giãn nợ vay với những hợp đồng vay cũ. Còn với những hợp đồng vay mới, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp ngưng hoạt động, ngưng sản xuất nên không có nhu cầu vay.

Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị sau khi công bố hết dịch, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển thì cần những gói giảm lãi suất cho vay, thời hạn cho vay kéo dài để doanh nghiệp duy trì nguồn vốn sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi trở lại sau thời gian bị “ốm” nặng”, ông Linh nói.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy các giải pháp quyết liệt nhằm giải ngân tốt nhất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Thông, Giám đốc một doanh nghiệp may mặc tại quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết, thực tế, đến thời điểm này doanh nghiệp rất khó tiếp cận chính sách.

“Khi triển khai xuống các ngân hàng thương mại thì doanh nghiệp vướng hết vì ngân hàng thương mại nói đang chờ hướng dẫn cấp trên. Hầu hết là các doanh nghiệp được trả lời như vậy, cũng có ngân hàng đã triển khai được nhưng rất ít. Đa số các ngân hàng còn nhiều thủ tục, khó khăn, phức tạp. Quan điểm của tôi là cứu doanh nghiệp cũng phải nhanh như chống dịch vì số doanh nghiệp tiếp cận được không nhiều”, ông Hoàng Trung Thông cho biết.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi, cảng, logistics tại TP.HCM cũng cho biết bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Doanh thu và lợi nhuận giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh chi phí 100% về tài chính nhân công, thuế...

“Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ khoản hỗ trợ nào như giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp, cơ cấu lại nợ... Chúng tôi đang trong tình trạng chờ đợi ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay”, đại diện công ty cho biết.

Theo Phạm Đức

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/covid-19-doanh-nghiep-keu-kho-tiep-can-chinh-sach-ho-tro-du-bi-anh-huong-rat-nang-ne/20200420032746148"