Công khai, minh bạch trong đăng ký để bảo đảm hài hòa lợi ích trong xuất khẩu gạo

16/04/2020 15:44

Công khai, minh bạch trong đăng ký xuất khẩu gạo là việc cần thiết phải đặt lên hàng đầu để bảo đảm quyền lợi công bằng cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với mặt hàng gạo.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ Công thương về việc cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4 với số lượng 400 nghìn tấn sau khi yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới vào cuối tháng 3 vừa qua. Đây là tin mừng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo và rất nhiều hộ nông dân trồng lúa trên cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về cả sản lượng, giá trị và nhất là giá lúa nông dân bán ra đạt mức cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019, kể cả vào thời điểm thu hoạch rộ với năng suất cao.

Cần đảo đảm hài hòa lợi ích trong xuất khẩu gạo

 

Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ba tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,7 triệu tấn (tăng 19,9%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ tăng về sản lượng mà giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhiều thời điểm, giá gạo 5% tấm được giao dịch ở mức 428 đến 432 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng đạt mức 413 đến 417 USD/tấn, gạo jasmine đạt tới giá 528 đến 532 USD/tấn.

Tuy nhiên, điều đáng nói, việc xuất khẩu gạo trở lại cũng chỉ giới hạn ở mức 400 nghìn tấn trong tháng 4. Chính vì vậy, mà vào lúc 0 giờ ngày chủ nhật (12-4), Tổng cục Hải quan mở cổng đăng ký trực tuyến tờ khai hải quan xuất khẩu khiến nhiều doanh nghiệp khi biết thông tin thì hạn ngạch đã hết cho nên không xuất khẩu được gạo.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn hàng chục nghìn tấn gạo đã nằm ở cảng mà không thể xuất được, dẫn đến khó khăn về chi phí lưu kho, bãi, tiền đóng công-ten-nơ, sà-lan… Trong khi đó, có doanh nghiệp đăng ký được số lượng lớn nhưng cũng không bị ngắt. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề nghị trong tháng tới, Chính phủ, Bộ Công thương cần phân chỉ tiêu hạn ngạch về cho các địa phương để trên cơ sở đó các doanh nghiệp đăng ký sản lượng xuất khẩu.

Hiện, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị các doanh nghiệp có ý kiến đóng góp về việc hải quan mở tờ khai cũng như thông tin về khối lượng hàng tồn kho khi chưa xuất khẩu được, từ đó VFA có cơ sở kiến nghị lên Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan tháo gỡ khó khăn.

Có thể thấy, việc đồng ý xuất khẩu gạo trở lại có kèm theo hạn ngạch từng tháng đã bảo đảm hài hòa lợi ích của nhiều bên liên quan trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, trên cơ sở cân đối nguồn cung trong nước. Cụ thể, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục triển khai các đơn hàng có giá trị cao, theo đó giá thu mua lúa cũng tăng lên, giúp nông dân tăng lợi nhuận, có điều kiện tốt nhất để tái đầu tư sản xuất, giảm đến mức thấp nhất việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo; đồng thời, có giá trị bảo đảm nguồn an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề công khai, minh bạch trong đăng ký xuất khẩu gạo là việc cần thiết phải đặt lên hàng đầu để bảo đảm quyền lợi công bằng cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh đối với mặt hàng này, nhất là trong bối cảnh tháng 5 tới đây và có thể là các tháng tiếp theo, việc xuất khẩu gạo cũng vẫn kèm theo hạn ngạch nhất định.

Theo Tiến Anh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/cong-khai-minh-bach-trong-dang-ky-de-bao-dam-hai-hoa-loi-ich-trong-xuat-khau-gao-a94775.html"