Chuyên gia Ngô Trí Long: Việc kiểm soát lạm phát năm 2022 không dễ dàng

04/01/2022 15:32

Chia sẻ tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022” sáng 4/1, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng.

CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%

Phát biểu tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022”, PGS, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm 2020.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9% (đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05% (đóng góp 63,80%); khu vực dịch vụ tăng 1,22% (đóng góp 22,23%).

gia1-1641285062.jpg
PGS, TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại Hội thảo“Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022”

Đưa ra nhận định sâu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), PGS, TS Nguyễn Bá Minh cho rằng: Tháng 12/2021, CPI giảm 0,18% so với tháng 11/2021. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 (là mức tăng bình quân năm thấp nhất của giai đoạn 2016-2021). Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng 11/2021, tăng 0,67% so với tháng 12/2020. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Cùng đó, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/12/2021 giảm 1,8% so với tháng 11/2021 do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng theo kỳ vọng lãi suất Mỹ năm sau tăng lên.

Năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,12% so với năm 2020, trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,44%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 0,55%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 1,33%.

So với năm 2020, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 2,91% so với năm 2020, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,95%, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 5,51%, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 2,86%, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 5,49%.

Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh: CPI bình quân năm 2021 tăng do một số nguyên nhân liên quan đến giá xăng dầu, gas, gạo, vật liệu xây dựng, dịch vụ giáo dục đều tăng.

Tuy nhiên, giá mặt hàng thực phẩm, giá điện, dịch vụ du lịch giảm đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2021.

Nhiều sức ép lên giá cả, CPI 2022 lên mức 2,5%

TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (đặc biệt là dịch COVID-19 với những biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh...) sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân... CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5%.

“Đối với một số mặt hàng thiết yếu, dự báo, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định từ 65 đến 80 USD/thùng vì nếu giá dầu tăng mạnh thì Mỹ sẽ tăng nguồn cung dầu đá phiến và chiếm thị phần dầu của các nước OPEC và OPEC +, lúc đó OPEC và OPEC+ sẽ tăng nguồn cung và giá dầu sẽ giảm”, ông Nguyễn Bá Minh nói.

Đánh giá về khả năng kiểm soát lạm phát năm 2022, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Ông dự báo, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố chủ yếu, như nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng; khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

gia2-1641285062.jpg
Nhiều áp lực về giá cả, kiểm soát lạm phát năm 2022 không dễ dàng

Theo ông Long, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

Hướng tới kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra dưới 4%, tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý giá đã đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp, nhằm quản lý, điều hành giá theo đúng mục tiêu của Chính phủ.

Đó là tiếp tục triển khai toàn diện công tác sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi); theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, thao túng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Hà Anh