Tại các quốc gia trên thế giới, hiện nay, các dòng xe điện hóa được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.
Dân số của Việt Nam hiện là gần 100 triệu, tuy nhiên số lượng xe điện hiện vẫn còn rất hạn chế. Việc thúc đẩy phát triển xe điện và các ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là việc tăng tỉ lệ nội địa hoá ngành công nghệp phụ trợ xe điện trong nước sẽ giúp giải quyết bài toán giảm chi phí sản xuất và giá bán đến người tiêu dùng.
Nói về vấn đề này, tại Hội thảo “Phát triển công nghệ phụ trợ xe điện” do Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp với Trung tâm Triển lãm và Xúc tiến thương mại Quân đội (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm R&D Chungnam Oto Technopark (Hàn Quốc) tổ chức mới đây, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, bà Trần Thị Hồng Lan cho biết, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực giảm phát khí nhà kính và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều giải pháp giúp chuyển đổi năng lượng đã, đang và sẽ tiến hành, trong đó có phát triển xe điện. Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia đi sau trong ngành xe điện, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh công nghệ liên quan đến xe điện đang được phát triển rất nhanh, với mức độ hoàn thiện ngày càng cao, mang lại hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế, môi trường so với trước đây.
Cần quan tâm, đầu tư, tăng tỉ lệ nội địa hoá ngành công nghiệp phụ trợ xe điện
Tuy nhiên, bà Trần Thị Hồng Lan cũng chỉ ra rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam như: Ngành công nghiệp xe điện đòi hỏi chi phí đầu tư lớn; Cơ sở hạ tầng liên quan đến xe điện của Việt Nam còn hạn chế như thiếu trạm sạc, thiết bị sạc tốc độ cao; Tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện như xử lý pin hay chính sách hỗ trợ cần được đổi mới.
“Để thúc đẩy phát triển xe điện, ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện cần được chú trọng quan tâm đầu tư, đặc biệt là việc tăng tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp phụ trợ xe điện trong nước sẽ giúp giải quyết bài toán giảm chi phí sản xuất và giá bán đến người tiêu dùng. Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp xe điện phát triển, là quốc gia có nguồn vốn FDI đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, môi trường văn hóa, công nghệ của Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương”, bà Trần Thị Hồng Lan cho hay.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Toàn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết, xu thế cạn dần năng lượng hóa thạch, ô nhiễm môi trường đang diễn ra, dẫn tới các công nghệ, giải pháp thay thế, dùng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, giảm ô nhiễm môi trường là một xu thế tất yếu. Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không đứng ngoài xu thế này. Việc tổ chức hội thảo hợp tác, phát triển ngành công nghệ phụ trợ xe điện là định hướng đúng cho sự phát triển trong tương lai. Việt Nam là đất nước đi sau trong lĩnh vực công nghiệp ô tô điện, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm, chính sách quốc tế trong lĩnh vực này.
Cũng tại đây, đại diện lãnh đạo Trung tâm R&D Oto Chungnam Technopark và các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong hỗ trợ kỹ thuật công nghệ giữa hai nước để phát triển thị trường xe điện, cũng như có những chính sách hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện các dự án liên quan trong lĩnh vực này.
Với sự thiện chí hợp tác và chia sẻ đối với hoạt động phát triển ngành công nghệ phụ trợ xe điện tại Việt Nam của Trung tâm R&D Chungnam Oto Technopark, cũng như các các giải pháp công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ xe điện của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sẽ là nền tảng để hai bên học hỏi, kế thừa, rút ngắn thời gian trong việc phát triển xe điện.