Nguyên nhân dưa chuột bị đắng
Trong quá trình nuôi trồng, nông dân sử dụng quá nhiều phân đạm khiến cây mọc dài nên quả ở phần nhánh cây hoặc phần thân cây yếu dễ bị đắng.
Cây thiếu nước trong thời gian dài hoặc nơi trồng có nhiệt độ cao, thiếu độ ẩm cũng làm dưa bị đắng.
Trong quá trình phát triển, cây gặp ít nắng và nhiệt độ thấp nên không hấp thụ đủ nước, chất dinh dưỡng khiến quả bị tích tụ nhiều chất gây đắng.
Cách chọn dưa tươi ngon
Nên chọn những quả dưa có vỏ màu xanh tươi sáng, đều màu, không có vết thâm hoặc ố vàng. Những quả có vết ố vàng là dưa đã để lâu, có dấu hiệu hỏng, ăn sẽ không tươi ngon và có thể bị đắng.
Về hình dáng, những quả thẳng không hoặc ít cong vẹo là quả ngon.
Những quả có dáng thuôn dài, kích cỡ đều nhau sẽ đặc ruột, ăn giòn ngon hơn những quả ngắn và tròn.
Khi chọn, hãy cầm thử dưa trên tay. Nếu quả nặng tay, mềm, có lớp vỏ nhẵn, không nốt sần là quả ngon.
Tránh mua những quả có hình dáng không đều, phìm ra ở giữa hoặc đầu to đuôi nhỏ (và ngược lại) vì đây là những quả dưa già, nhiều hạt, nhiều nước, ăn không ngon.
Dưa chuột có thể có lớp phấn tự nhiên bên ngoài bảo vệ để giữ nước, giúp chúng tươi lâu, không bị héo. Nếu mua loại này, bạn nên rửa kỹ bằng nước có pha chanh, giấm hoặc nước ấm để loại bỏ lớp phấn trước khi ăn.
Các bà nội trợ thường thích chọn dưa chuột nếp vì chúng có hương vị thơm ngon hơn. Những quả dưa như vậy thường có đặc điểm sau: quả thon, dài 20 - 25 cm, đường kính 4,5 - 5 cm; hình dáng đẹp, vỏ xanh sáng có u vấu; khi gọt vỏ hoặc bẻ đôi quả dưa sẽ thấy mùi thơm đặc trưng.
Dưa chuột để nguyên quả có thể bỏ vào túi nilon và để trong tủ lạnh khoảng 10 ngày mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/cach-chon-dua-chuot-ngon-ngot-khong-bi-dang/20200309082809728"