Theo tính toán của Vietnamwork trong quý I năm 2020 số các bài đăng tuyển dụng đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này chứng tỏ dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến tình hình nhân sự cũng như việc tuyển dụng của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn các doanh nghiệp đang bị khủng hoảng bởi dịch bệnh Covid-19, một vấn đề khá nhức nhối mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là vấn đề về nhân sự. Khi doanh thu không đủ chi trả các chi phí nhiều doanh nghiệp đã phải đưa ra những quyết định hết sức đau lòng đó là sa thải nhân viên. Đây là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo nguồn tài chính eo hẹp để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là họ phải cân não với các bài toán: Nên sa thải hay giữ lại nhân sự? Nếu phải sa thải thì sẽ sa thải ai, giữ lại những ai? Lựa chọn giữa việc sa thải nhân sự và giữ nhân sự thế nào cho hiệu quả nhất?
Tại sự kiện Innovation Summit 2020 diễn ra ngày 18/4 vừa qua với chủ đề “Hiến kế & Giải pháp đổi mới cho doanh nghiệp ứng phó thời Covid-19” đã có phiên làm việc riêng trao đổi riêng về vấn đề và giải pháp về nhân sự cho các doanh nghiệp SME mùa Covid-19.
Tại phiên làm việc này ông Tony Dzung - Fourder AND Chairman of Langmaster EduTech Group đã đưa ra những quan điểm về vấn đề này. Theo ông Tony Dzung cái gốc của nhân sự bao giờ cũng xuất phát từ lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp. Việc quan trọng quyết định đến thành bài của doanh nghiệp đó là phải tìm được nhân sự phù hợp.
Có hai bài toán mà doanh nghiệp SME cần giải ở giai đoạn này. Đó là, bắt buộc phải giữ được những vị trí có hiệu suất làm việc cao, có tiềm năng phát triển và phù hợp với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Đặc biệt phải trung thành với doanh nghiệp. Nhất định phải giữ được họ để đi qua mùa Covid-19 chúng ta có thể nhanh chóng phục hồi và phát triển dài hạn. Song song với bài toán giữ chân nhân tài thì các doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo phải có dòng tiền để sống sót và duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.
Ba tiêu chí hàng đầu ông Dzung chọn để quyết định nên giữ lại hay sa thải nhân sự bao gồm: Xem nhân sự đó có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp không? Hiệu suất làm việc có hiệu quả không? Và sự thích nghi với hoàn cảnh của họ thế nào?.
Bà Vũ Ngọc Tuyết – CHRO NSJ Group một người đã từng có rất nhiều năm làm trong ngành nhân sự, qua thực tế triển khai cho nhiều doanh nghiệp bà cũng đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này. Bà nói: “Nếu trong hoàn cảnh bình thường thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều thời gian đưa ra phương pháp, kế hoạch để thay đổi về nhân sự. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện tại vấn đề nhân sự đặt ra tại các doanh nghiệp lại cần có sự linh hoạt và tính ứng biến cao với tình hình thực tại và phải quyết định rất nhanh. Đôi khi chỉ có 1 ngày hoặc 1 giờ để đưa ra quyết định”.
Bà cho biết, đây là giai đoạn chủ doanh nghiệp cần nhìn nhận vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình. Cơ cấu lại nhân sự dựa vào quỹ lương và tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Tuy nhiên cần tính toán rất kỹ việc nên giảm quỹ lương bằng hình thức nào cho hợp lý. Cân nhắc xem bộ phận nào hoạt động hiệu quả, bộ phận nào là cần thiết và cần nhìn ra những điểm nào chưa được để tối ưu hóa về bộ máy hoạt động cũng như quỹ lương.
Cũng theo bà Tuyết, việc sa thải nhân sự cần phải luôn đặt chữ NHÂN lên hàng đầu. Các doanh nghiệp nên chọn cách đối thoại, cả phía chủ doanh nghiệp và người lao động nên cởi mở lắng nghe nhau. Doanh nghiệp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lao động và ngược lại chủ doanh nghiệp cũng cần cởi mở hơn về những vấn đề về mình đang gặp phải. Khi hai bên đã có sự chia sẻ thẳng thắn với nhau thì sẽ hiểu nhau hơn.
Bà cũng nhấn mạnh, nếu bị sa thải người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy các chủ doanh nghiệp nên cân đối lại quỹ lương, cơ chế lương ... và nên xem xét hỗ trợ một phần lương cho nhân viên trong thời gian nhất định để họ có thể tiền trang trải trong thời gian đi tìm việc làm mới.
Ông Nguyễn Việt Anh - CCO khối Doanh nghiệp Viettel Bussiness Solutions xung quanh vấn đề nhân sự trong mùa dịch cũng có những chia sẻ rất thẳng thắn từ thực tế doanh nghiệp của mình đang triển khai.
Ông Việt Anh cho biết, hiện tại Viettel chưa phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên khi dịch bệnh bùng phát, một bộ phận nhân sự của Viettel đã được cho làm việc ở nhà. Theo ông tinh thần nhân viên là vô cùng quan trọng nó quyết định rất nhiều đến chất lượng và hiệu quả công việc giai đoạn này.
Ông nói “Chúng tôi vẫn giữ vững chế độ cho nhân viên để họ có tinh thần tốt để cống hiến trí tuệ cho doanh nghiệp.... Các doanh nghiệp cần phải luôn lạc quan lên. Những khó khăn hiện tại hãy coi đó là một tất yếu, một xu hướng cần phải đối mặt. Hãy luôn sẵn sàng tất cả các công cụ, giám sát, và làm việc từ xa. Tinh thần chính là mấu chốt giai đoạn này với các doanh nghiệp”
Như vậy việc chuyển đổi số và giữ vững tinh thần nhân viên là yếu tố quan trọng của các doanh nghiệp SME ở thời điểm hiện tại. Sự tồn tại của doanh nghiệp là vấn đề quan trọng nhất phải luôn được đặt lên hàng đầu. Các chủ doanh nghiệp cần có những cái nhìn khách quan về vấn đề tài chính, nhân sự. Cần có những kế hoạch chi tiết, cụ thể trong từng giai đoạn để dự trù được rủi ro và không bị cú Sốc như thời gian vừa qua. Hơn hết yếu tố con người là quan trọng nhất. Với nhân sự cần luôn đặt chữ Tâm lên trên để có phương án phù hợp và tối ưu nhất để phù hợp với từng giai đoạn và phù hợp với tình hình thực tế
Theo Huyền Phạm
"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/cac-chuyen-gia-chia-se-cach-giai-bai-toan-cat-giam-hay-giu-nhan-su-mua-dich-covid-19/20200420010324213"