Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, tình trạng vi phạm về quảng cáo TPCN, TPBVSK đang rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, Google và các trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài).
Các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo TPCN như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"...
Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo TPCN, TPBVSK có nội dung vi phạm như trên. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK trên các phương tiện truyền thông và môi trường mạng.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK đối với các cơ sở hoạt động theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử. Đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN, TPBVSK vi phạm; kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo TPCN trên các loại hình quảng cáo ngoài trời như: bảng, biển, pano, băng rôn...
Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lí các vụ việc vi phạm về quảng cáo TPCN, TPBVSK có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo điều 197 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm TPCN, TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.
Nhiều doanh nghiệp quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPCN, TPBVSK, khiến người bệnh tin vào quảng cáo không đúng sự thật mà bỏ lỡ cơ hội khám chữa bệnh ngay từ đầu, trong khi những sản phẩm này chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, mà không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Để mua được các sản phẩm TPCN, TPBVSK đảm bảo an toàn, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm có cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, ATTP); mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín; kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm.
Theo Huy Trung
"https://thuonghieucongluan.com.vn/de-nghi-xu-ly-hinh-su-ve-quang-cao-gian-doi-thuc-pham-chuc-nang-a105604.html"