Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới

13/06/2024 09:00

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 1,24%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng qua, CPI tăng 4,03%, trong mức tăng này có 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm…

Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới- Ảnh 1.

Ảnh: Sài Gòn đầu tư tài chính

Giá một số mặt hàng như giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi tăng từ 3 - 10%.

Bộ Tài chính ước tính, lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72 - 4,5%.

Từ nay đến cuối năm, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá vẫn là giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện do tới kỳ điều chỉnh theo lộ trình và giá vé máy bay trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh chung của giá vé máy bay thế giới.

Đồng thời, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu dự báo có thể có biến động tăng như giá xăng dầu do những biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì ở mức giá cao, giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2024 vẫn tiếp tục được áp dụng tương tự như năm 2023 như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng... cũng góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức 4 - 4,5%; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu (giá xăng dầu, giá gas, giá lương thực, thực phẩm, giá vật liệu xây dựng, giá nhà ở thuê) kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện tác động đến mặt bằng giá những tháng còn lại năm 2024, Bộ Tài chính cập nhật 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới.

Kịch bản 1 dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,72% so với năm 2023. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân tăng khoảng 4,03% so với 2023 và kịch bản 3 là dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Như vậy, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72-4,5%. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng còn lại của năm 2024, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39 - 0,6% để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0% - 4,5% theo mục tiêu đề ra.

Về giải pháp điều hành trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà kiến nghị các bộ, ngành cần chủ động theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng chủ chốt trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới cũng như những căng thẳng địa chính trị để đưa ra các giải pháp điều hành kịp thời.

Các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, cho Ban chỉ đạo nhằm hạn chế tác động tiêu cực lên mặt bằng giá trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng quan trọng như nhóm lương thực, thực phẩm, nhiên liệu đủ nguồn cung để giúp ổn định về giá cả. Các bộ, ngành quản lý sẵn sàng các phương án điều chỉnh về thời điểm về liều lượng để tránh điều chỉnh cùng lúc dồn dập. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và không chủ quan với lạm phát.

Minh An (t/h)