Bộ GTVT cho rằng dịch vụ vận chuyển hàng không là một trong những dịch vụ có tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc không quy định giá trần có nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Khi sửa theo hướng không còn quy định giá trần, các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong các giai đoạn cao điểm, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Hơn nữa, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa vẫn đang là một trong các dịch vụ thuộc loại có thị trường cạnh tranh hạn chế và vẫn đang thuộc tiêu chí do Nhà nước định giá theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật Giá.
Hiện chỉ có 5 hãng hàng không tham gia thị trường, thị phần vận chuyển hàng không nội địa cũng vẫn có các doanh nghiệp chiếm thị phần trên 30%.
Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội; thị trường hàng không có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì khi đó đề xuất bỏ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là phù hợp.
Theo đó, Nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Theo Bộ GTVT, việc dỡ bỏ dần quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cần có lộ trình và trong giai đoạn trước mắt, để tôn trọng và bảo đảm quyền định giá của doanh nghiệp, trong dự thảo Luật Giá đã kịp thời hoàn chỉnh theo hướng chuyển từ quy định khung giá sang quy định giá tối đa nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.