Bắt đầu từ năm 2022, các sàn thương mại điện tử phải kết nối thông tin với cơ quan thuế

23/07/2021 22:04

Theo đó, từ năm 2022 các sàn thương mại điện tử trên cả nước phải triển khai thực hiện việc cung cung cấp thông tin, kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, cá nhân kinh doanh phát sinh nghĩa vụ được tự kê khai nộp thuế hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức kê khai, nộp thuế thay cho họ.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã có quy định nhằm hướng dẫn rõ hơn về thủ tục trong trường hợp các sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện kê khai thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử theo ủy quyền hoặc thỏa thuận của cá nhân và theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cá nhân kinh doanh có thể kê khai đúng, đủ, kịp thời thông tư đã quy định trách nhiệm các sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin. Đồng thời, hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin tổng hợp doanh thu kinh doanh trên toàn quốc để cá nhân có thể tự thực hiện việc khai thuế, nộp thuế kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, chia sẻ, quy định trong Thông tư 40 sẽ giúp cho cơ quan quản lý thuế dễ dàng hơn, nhưng sẽ gây khó khăn cho các sàn thương mại điện tử, cho nên cần chỉnh sửa thêm cho hài hòa giữa vai trò quản lý thu thuế của cơ quan thuế, trách nhiệm tối cao trong kê khai nộp thuế của cá nhân kinh doanh trước pháp luật và việc hỗ trợ cơ quan thuế thông qua hoạt động kinh doanh của sàn.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho rằng, tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn. Chính vì thế, thương mại điện tử có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và rất nhiều hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệnh giữa các thành phần. Mặt khác, một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì.

Từ nay đến trước 1/8/2021, Tổng cục Thuế sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để khảo sát thực tế một số sàn thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu, dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn gồm các nước như sau:

Bước 1 (từ nay đến trước 1/8/2021), Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện khảo sát thực tế một số sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng chuẩn dữ liệu; dự thảo chuẩn dữ liệu lấy ý kiến các sàn thương mại điện tử.

Bước 2 (từ 1/8/2021 đến trước 1/10/2021): Tổng cục Thuế tổng hợp ý kiến phản hồi, hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyển ban hành chuẩn dữ liệu kết nối thông tin.

Bước 3 (Từ 1/10/2021 đến trước ngày 1/1/2022), Tổng cục Thuế và các sàn giao dịch thương mại điện tử triển khai việc nâng cấp ứng dụng để đảm việc kết nối thông tin theo chuẩn định dạng bằng phương thức điện tử.

Bước 4 (từ 1/1/2022), sàn thương mại điện tử thực hiện việc kết nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu bằng phương thức điện tử.

Huyền Cao