Bao nhiêu doanh nghiệp FDI muốn tăng quy mô trong 2 năm tới?

06/05/2020 20:46

53% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam. Dù vậy, con số này thấp hơn so với mức 60% năm 2017 và 55% năm 2018.

Điều tra PCI-FDI 2019 phân tích cảm nhận và trải nghiệm của 1.583 doanh nghiệp FDI đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư vào 21 tỉnh, thành phố phát triển nhất của Việt Nam.

53% doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô

Theo Gs. Ts. Edmund Malesky, Đại học Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, lần đầu tiên trong 10 năm thực hiện điều tra doanh nghiệp FDI của dự án PCI, thấy được xu hướng gia tăng cả về quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư ở các doanh nghiệp này.

"Nhiệt kế" doanh nghiệp FDI 


 
Đây là một phát hiện quan trọng, bởi nêu bật một thực tế là dòng vốn FDI tăng không chỉ do các dự án mới, mà còn bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư hiện tại sau khi đã thực sự trải nghiệm môi trường đầu tư tại Việt Nam.

"Nhờ các nỗ lực cải cách trong 4 năm qua, thời gian thành lập doanh nghiệp đã giảm tổng cộng 38 ngày cho các doanh nghiệp FDI", Gs. Edmund Malesky nói.

Trong báo cáo PCI 2019 cho thấy, 53% doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô kinh doanh. Dù vậy, con số này thấp hơn so với mức 60% năm 2017 và 55% năm 2018.

Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tỏ ra lạc quan nhất, với 73% số doanh nghiệp cho biết sẵn sàng mở rộng; Tiếp đó, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, xe động cơ, chế biến thực phẩm, sản xuất kim loại có tỷ lệ đa số 60% lạc quan về triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngược lại, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất, khai khoáng và dệt may – những nhóm tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm qua, lại tỏ ra ít lạc quan hơn. Chỉ có 40% doanh nghiệp thuộc các ngành này cho biết có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới.

Tuy nhiên,Gs. Ts. Edmund Malesky cho rằng tương tự với doanh nghiệp dân doanh, dự báo triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI tại báo cáo PCI 2019 dựa trên số liệu thu thập từ quý II và quý III/2019 sẽ không phản ánh được tình hình kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

"Bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam cũng như cả thế giới sẽ thay đổi rất nhanh chóng theo chiều hướng tiêu cực hơn. Trong báo cáo PCI 2020, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp FDI để đánh giá tác động của đại dịch này đến thực tế kinh doanh, đầu tư cũng như kế hoạch mở rộng hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam", ông nói.

Phải trả 24 triệu đồng phí 'bôi trơn' khi xin giấy phép xây dựng

Trong quá trình phân tích PCI 2019 nổi lên 2 vấn đề đáng quan tâm đặc biệt. Thứ nhất, hệ thống quy định, thủ tục của Việt Nam cần trở nên hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Nhìn chung, gánh nặng thực hiện quy định, thủ tục là không quá nặng nề. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp FDI phải trải qua 2 lần thanh tra, kiểm tra và 1,5 lần thanh, kiểm tra thuế. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí tuân thủ là không đồng đều, một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp FDI, trong đó có nhiều doanh nghiệp là các nhà đầu tư nước ngoài năng động nhất tại Việt Nam, phải chịu gánh nặng chi phí tuân thủ không tương xứng.

Thứ hai, mặc dù công cuộc chống tham nhũng đã có những thành tựu đáng kể nhưng không được chủ quan. Sử dụng một điều tra thực nghiệm cho phép bảo vệ người trả lời, nhóm nghiên cứu phát hiện 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm qua đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này. Quan trọng là, các con số này có thể chưa phản ánh đúng mức chi phí thực tế, bởi chưa tính đến các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp giấy phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí không chính thức. Có nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.

Gs. Ts. Edmund Malesky đánh giá rõ ràng là nỗ lực của các cấp chính quyền đang dần chuyển đổi cách thức nhà đầu tư nước ngoài tương tác với chính quyền, từ đó cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về các rủi ro pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các cải cách hành chính này đã được thiết kế cho thế hệ doanh nghiệp FDI trước đây. Hiện nay, đặc điểm và quy mô của các doanh nghiệp FDI đang dần thay đổi, do sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu, trình độ phát triển công nghệ cộng với các thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu (đáng chú ý nhất là việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc).

"Cụ thể, chúng ta có thể quan sát thấy xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hoặc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao hơn. Để phát triển, thế hệ các doanh nghiệp mới này sẽ cần một loạt chính sách khác từ Nhà nước Việt Nam", ông nói.

Theo DNVN

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/bao-nhieu-doanh-nghiep-fdi-muon-tang-quy-mo-trong-2-nam-toi/20200506091859551"