Bài học xương máu trong ngày đỏ lửa: Đừng hùa theo, sàn đỏ thì ai cũng lỗ

26/02/2022 08:52

Trong phiên giao dịch hôm 24/2, đồng loạt các mã giảm điểm do tâm lý hùa theo. Dẫn đến chỉ số đại diện cũng bị mất mốc kháng cự quan trọng.

Bài học xương máu trong ngày đỏ lửa: Đừng hùa theo, sàn đỏ thì ai cũng lỗ

Trong phiên giao dịch hôm 24/2, chỉ số Vn-Index mất ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Chốt phiên, Vn-Index đạt 1.494,85 điểm, giảm 17,45, tương đương 1.15%. Các chỉ số khác như HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt còn 434,88 (giảm 7,66 điểm) và 112,32 (mất 1,19 điểm).

Đến phiên kết tuần, Vn-Index mới có đà tăng trở lại. Vn-Index tăng 4,04 điểm, đạt 1498,89 điểm. Toàn sàn có 324 mã tăng, 126 mã giảm và 53 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index tăng 5,28 điểm (1,21%) lên 440,16 điểm. Toàn sàn có 171 mã tăng, 63 mã giảm và 58 mã đứng giá.

Các nhà đầu tư khác phàn nàn

Ngay sau phiên "đỏ lửa" 24/2, các hội nhóm nhà đầu tư chứng khoán, nhiều người đã "nóng" hơn bao giờ hết. Hôm đó, chứng kiến các bài đăng mới được tải liên tục - chưa hôm nào sau một phiên lại có nhiều bài đăng như vậy.

Đa số các nhà đầu tư đều bày tỏ sự khó hiểu: "Vì sao các nhà đầu tư lại đồng loạt bán tháo cổ phiếu để xảy ra tình trạng nhiều mã giao dịch ở giá sàn?" Nhiều người còn đưa ra các lập luận cho rằng, biến cố xảy ra ở một nơi rất xa nhưng lại có một bộ phận nhà đầu tư Việt quá nhạy cảm và đưa ra quyết định đầu tư thiếu đúng đắn.

Trước đó, các thông tin râm ran về khuyến khích bán ra bắt đầu lan truyền khi báo chí phương Tây đồn đoán khả năng xảy ra quân sự tại Ukraine.

Hiệu ứng đám đông làm cho các nhà đầu tư rơi vào hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Họ bị cảm giác nếu mình không hành động như số đông thì mọi sai lầm sẽ do bản thân tự gánh lấy. Sự kiên định và tổng hợp thông tin bị che phủ bởi suy nghĩ sợ sai.

Nhà đầu tư Việt nôn nao và quyết định tức thời khi báo chí trong nước cập nhật về tình hình Nga - Ukraine. Vì vậy, ngay từ đầu phiên sáng 24/2, cùng thời điểm báo chí Việt Nam đăng tải dồn dập về sự kiện, Vn-Index bị giảm điểm mạnh. Kéo dài đến cả phiên chiều và kết phiên.

Tâm lý tác động mạnh, cho nên khi thấy thị trường giảm điểm, các nhà đầu tư khác không thể nằm ngoài. Họ cũng đưa ra quyết định bán.

Tuy nhiên, đây là những quyết định bị tác động bởi con tim nhiều hơn lý trí. Cụ thể, ngay cả những công ty tưởng chừng không liên quan (không có giao dịch mua bán với hai nước này) cũng bị cuốn theo đà giảm chung của thị trường.

Một số công ty đang có đà tăng tốt trên biểu đồ kỹ thuật số cũng bị "xui xẻo" rơi vào ma trận giảm điểm. Đáng ra các nhà đầu tư bình tâm hơn thì mọi chuyện đã khác. Đó có thể là cổ phiếu mà họ nuôi lâu nay sẽ tăng trưởng lên mốc giá cao hơn, bán ra có lợi hơn. Nhưng không! Tất cả đều mất tiền.

Đừng mang tâm lý hùa vào thị trường chứng khoán

Là một chứng sĩ và cũng là người quan sát thị trường nhiều năm, rõ ràng chứng khoán Việt Nam đôi chỗ còn khó hiểu so với sự vận hành của thế giới như phổ chung về kiến thức nhà đầu tư, độ minh bạch của các công ty niêm yết...

Tuy nhiên, điều lớn nhất và đáng sợ nhất đối với tôi cũng như nhiều nhà đầu tư khác đó chính là "hùa theo". Rất nhiều nhà đầu tư chấp nhận bị dắt mũi bởi những thông tin thiếu kiểm chứng, được tung ra từ những người không ai biết là ai.

Họ chẳng phải đại diện doanh nghiệp, tổ chức phát hành hay đơn vị phân tích. Nhà đầu tư tư duy theo kiểu "nghe hợp lý" là đưa ra quyết định và hành động ngay lập tức, chứ không cần một "lõi lọc" thông tin.

Đầu tư chứng khoán là một loại hình đầu tư nghiêm túc. Nó vận dụng các kỹ năng đọc hiểu báo cáo tài chính, phân tích tình hình thực tế lẫn kinh nghiệm của bản thân. Những quyết định được đưa ra là tổng hợp sau hàng loạt phân tích. Chứ không phải là một quyết định đơn lẻ: Hãy nghe theo người đó!

Để thị trường không còn phải chứng kiến một phiên giảm điểm đầy chủ quan như vậy nữa, mỗi nhà đầu tư cần có chính kiến riêng dựa trên hiểu biết cá nhân về chính công ty đang đầu tư. Đừng hùa theo!

Dy Khoa