Giảng viên nói trưởng khoa được bổ nhiệm "thần tốc"
Những ngày qua, thông tin 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng loạt xin nghỉ việc đã gây sự chú ý, bàn tán trong dư luận, nhất là trong tập thể nhà trường và sinh viên, học viên.
Trong số những giảng viên xin nghỉ việc có phó khoa và 3 quyền trưởng bộ môn, thâm niên làm việc từ 5-23 năm.
Theo các đơn thư phản ánh, sự việc xuất phát từ việc các giảng viên không đồng ý với cách làm việc, quản lý của TS Nguyễn Thị Phương Mai (Trưởng khoa Hàn Quốc học).
Đồng thời, theo họ, nguyên nhân khiến họ phải ngừng việc từ ngày 25/1 chủ yếu xuất phát từ năng lực quản lý còn hạn chế, yếu kém, thiếu dân chủ và chuyên quyền của bà Phương Mai cũng như việc nhà trường bổ nhiệm "thần tốc" cho vị trí này. Kéo theo sau đó là cách giải quyết sự việc chưa thỏa đáng của nhà trường từ tháng 9-2020 cho đến nay.
Cụ thể, các giảng viên này cho rằng theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH thành viên và khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, tiêu chuẩn trưởng khoa là phải có ít nhất ba năm tham gia quản lý từ cấp khoa, phòng hoặc tương đương trở lên của cơ sở giáo dục ĐH; có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo quy định.
Trong khi bà Mai về khoa từ năm 2016, đến năm 2018 đã được bổ nhiệm trưởng khoa và bà cũng không có bất kỳ chứng chỉ nào về lý luận chính trị hay bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước nào.
Bên cạnh đó, bà Mai còn đưa ra nhiều quy định để đánh giá giảng viên cứng nhắc, như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đơn phương quyết định thay đổi lịch họp định kỳ của khoa mà không báo trước…, báo PL.TPHCM đăng tải nội dung trong đơn thư phản ánh.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Phương Mai chia sẻ: "Tôi là sinh viên khóa 94, khóa đầu tiên của ngành Hàn Quốc học, khoa Đông phương Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tiền thân của khoa Hàn Quốc học hiện nay.
Tôi bắt đầu công tác tại khoa Đông phương thuộc nhà trường từ năm 2002 sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Hàn Quốc học, ĐH Quốc gia Seoul.
Năm 2016, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành giáo dục tiếng Hàn cũng tại ĐH Quốc gia Seoul, tôi về nước và lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ trưởng bộ môn giáo dục tiếng Hàn, phó trưởng khoa và trưởng khoa Hàn Quốc học vào năm 2018...
... Trong thời gian tôi giữ chức vụ trưởng khoa, khoa đã có những tiến bộ toàn diện: giảng viên dạy đủ giờ chuẩn, trên 90% giảng viên đã có công trình nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo được tăng lên (thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào, tỉ lệ tốt nghiệp, khảo sát kết quả khảo sát sinh viên toàn khóa, khảo sát nhà tuyển dụng...), chương trình hợp tác đào tạo đa dạng, hoạt động giao lưu với các tổ chức Chính phủ Hàn Quốc tăng lên nhiều hơn.
Trước và sau khi được bổ nhiệm, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, xử lý công việc theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo quyền lợi của mọi người và luôn đặt lợi ích của khoa lên trên hết.
Tôi luôn có tính cầu thị cao chứ không làm việc chuyên quyền, độc đoán. Phẩm chất, đạo đức, tư cách và năng lực lãnh đạo của tôi cũng như những gì tôi đóng góp được cho khoa và nhà trường đã được tập thể khoa và nhà trường công nhận, bằng chứng là tôi được tập thể bình chọn danh hiệu thi đua trong các năm qua.
Trường khẳng định bổ nhiệm đúng
Trả lời Pv báo Zing.vn, lãnh đạo Phòng Tổ chức - Cán bộ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định trường đã làm đúng quy trình bổ nhiệm trưởng khoa Hàn Quốc học.
Tiêu chuẩn của trưởng khoa được quy định: Phải có trình độ tiến sĩ phù hợp ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý. Nhiệm kỳ của trưởng khoa theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và có thể được bổ nhiệm lại. Trưởng khoa có nhiệm kỳ 5 năm và không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của trưởng khoa không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ, tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm.
Về quy trình bổ nhiệm trưởng khoa, nhà trường dựa trên các quy định về bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, việc đáp ứng tiêu chuẩn của cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị và nhà trường.
Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể viên chức - người lao động của trường, dưới sự giám sát của Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, đại diện Ban chủ nhiệm khoa đương nhiệm, đại diện Chi ủy, Chủ tịch Công đoàn bộ phận khoa, đại diện Phòng Tổ chức - Cán bộ và sự tham gia của toàn thể viên chức - người lao động trong khoa.
Lãnh đạo phòng Tổ chức - Cán bộ cho biết nhóm giảng viên dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM do Đại học Quốc gia TP.HCM ban hành để nói về tiêu chuẩn bổ nhiệm trưởng khoa là không đúng.
"3 năm kinh nghiệm quản lý là điều kiện áp dụng đối với trưởng khoa của khoa trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, do giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bổ nhiệm. Điều kiện này không áp dụng đối với khoa trực thuộc trường, trưởng khoa do trường bổ nhiệm", lãnh đạo Phòng Tổ chức - Cán bộ giải thích.
Người này cũng thông tin thêm bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe, trưởng khoa Hàn Quốc học hoàn toàn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm theo quy định.
PV (t/h)
"https://doanhnghieptiepthi.vn/11-giang-vien-truong-dh-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-dong-loat-xin-nghi-viec-vi-buc-xuc-161210403104438507.htm"