Xây dựng mối liên kết, hợp tác du lịch giữa Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long

23/07/2024 09:33

Từ ngày 22-26/7, Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp tổ chức khảo sát du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nhằm kết nối xây dựng những tour mới, hấp dẫn, thu hút du khách.

Trong chương trình làm việc, doanh nghiệp du lịch TP Hà Nội khảo sát, trải nghiệm các điểm đến nổi tiếng của một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Cồn Sơn, Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ), khu du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh), khám phá sông Hàm Luông, khảo sát trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang)… Đây đều là những điểm đến đang thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cũng tổ chức các hội nghị "Quảng bá xúc tiến du lịch Hà Nội" tại Cần Thơ và Trà Vinh. Chuyến khảo sát này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Qua đó, họ có thêm kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phù hợp với từng địa phương.

Xây dựng mối liên kết, hợp tác du lịch giữa Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long- Ảnh 1.

Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hà Nội được xác định là trung tâm phân phối khách du lịch hàng đầu đến các tỉnh phía Bắc và cả nước, cũng như tới các nước trong khu vực. Trong những năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng tốt, nhất là về lượng khách du lịch quốc tế, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung, thể hiện vai trò là một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.

Hà Nội - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là các điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú. ĐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và mang tính đặc thù, độc đáo riêng gắn với biển đảo, sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Thông qua hoạt động khảo sát này giúp doanh nghiệp du lịch Hà Nội giới thiệu sản phẩm, hình ảnh cũng như các tiềm năng phát triển du lịch của Thủ đô.

Đồng thời tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ; thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa thông qua việc quảng bá tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024,  tổng số lượt khách đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đạt gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt trên 1,3 triệu lượt, tăng 38,72%, và khách nội địa đạt hơn 28,6 triệu lượt, tăng 10,22%. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy ngành du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác và xúc tiến quảng bá du lịch với các tỉnh thành trên cả nước.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả và cụ thể hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh ĐBSCL nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, Sở Du lịch Hà Nội cho rằng các địa phương cần phối hợp trong công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước.

Phối hợp trong việc xuất bản các ấn phẩm chung về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội; tổ chức tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Phối hợp tổ chức, tuyên truyền các ngày hội văn hoá, năm du lịch quốc gia, các sự kiện, các lễ hội... trên địa bàn Hà Nội nhằm quảng bá du lịch các tỉnh, thành phố gắn liền với quảng bá du lịch Việt Nam; là cơ hội giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội...

Huyền My