Vụ "động bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1: Có xử lý được kẻ cầm đầu nếu mắc bệnh?

01/04/2021 23:30

Vì Quý đang điều trị tâm thần khiến dư luận băn khoăn, liệu cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự đối tượng này về hành vi Buôn bán, sử dụng, tàng trữ ma túy.

trom-1617269346.png

Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, ở huyện Thanh Trì) kẻ "cầm đầu" vụ Mua bán, Tàng trữ và Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại Bệnh viện Tâm thành Trung ương I đang bị cơ quan chức năng tạm giữ.

Theo báo cáo của Bệnh viện, Qúy được Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đưa đến viện điều trị bắt buộc từ tháng 11/2018. Anh ta táo tợn mở phòng "bay lắc" ngay trong bệnh viện, mời bạn bè, thậm chí có cả "gái dịch vụ". Phòng "bay lắc" được Nguyễn Xuân Quý trang bị các thiết bị âm thanh, ánh sáng để phục vụ cho những "cuộc vui" của mình và đàn em.

Vụ Qúy đang điều trị tâm thần khiến dư luận băn khoăn, liệu cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự đối tượng này!

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Bộ luật hình sự cũng đã có quy định rõ ràng về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng.

Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư phân tích, khi một người phạm tội mà có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan cảnh sát điều tra buộc phải đưa người đó đi giám định để xác định người đó có bị tâm thần hay không, thể bệnh gì, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm phạm tội hay không?

trom2-1617269346.png
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều ma túy tại nơi Qúy điều trị

Một số vụ án, những đối tượng phạm tội đã bỏ tiền, vật chất mua chuộc, câu kết với người có thẩm quyền để làm ra các "giấy chứng nhận tâm thần" để chạy tội, việc này phần nào gây khó khăn cho Cơ quan điều tra khi xử lý vụ việc.

Trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, luật sư Quách Thành Lực nhận định, trong quá trình đấu tranh ở rộng vụ án chắc chắn sẽ có việc xác định lại người chữa bệnh có bị tâm thần hay không? 

Nếu quá trình trưng cầu giám định xác định đối tượng không bị mắc bệnh tâm thần, người này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình đã thực hiện.

Ngược lại, nếu kết luận giám định khẳng định, tại thời điểm phạm tội bệnh nhân mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, điều đó đồng nghĩa với việc người này không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mình thực hiện.

"Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể mở rộng vụ án để làm rõ tại cơ sở y tế này có hay không trường hợp có kết quả giám định tâm thần giả mạo hồ sơ cho người bệnh.

Trong trường hợp phát hiện ra còn người khác cũng được giả mạo hồ sơ thì phải xử lý nghiêm cả những cán bộ đã tham gia vào việc này", Giám đốc Công ty luật TNHH LSX nói.

Ông trích dẫn thêm tại Điều 382, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định, "người làm công tác giám định tâm thần" nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3 - 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Hoàng An