Vĩnh Phúc: Ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông

27/04/2020 20:38

UBND tỉnh vừa có Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND về ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/5/2020.

Ảnh minh họa

 

Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định cụ thể về các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đối tượng áp dụng là các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh gồm hai tiêu chí cơ bản là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy & học.

Đối với tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định cụ thể: Sách giáo khoa được thiết kế phù hợp, thuận tiện trong việc bổ sung, lồng ghép những nội dung gắn với thực tiễn của địa phương; đồng thời sách giáo khoa có tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của cộng đồng dân cư và địa phương; hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động được thiết kế với các mức độ khác nhau, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội vùng miền.

Đối với tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học, việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với năng lực, phát huy tính tích cực của học sinh và phù hợp với năng lực, cơ cấu đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Cụ thể:

Sách giáo khoa được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh; đảm bảo tính mềm dẻo, phân hóa, có thể điều chỉnh phù hợp với năng lực của học sinh tại địa phương, đồng thời phát huy khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học. Việc thiết kế sách giáo khoa phải theo hướng giúp học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo, rèn kỹ năng hợp tác, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập trong quá trình học tập.

Nội dung trong sách giáo khoa đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, được thiết kế, trình bày hợp lý các hoạt động, giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; có các chủ đề phù hợp, giúp giáo viên có thể triển khai dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống, giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Đồng thời, nội dung sách giáo khoa phù hợp năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục tại địa phương và có thể triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học của nhà trường và địa phương.

Theo Đăng Ngọc

"https://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-ban-hanh-tieu-chi-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-a96415.html"