Thực hiện chỉ thị của lãnh đạo Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã vận động và trực tiếp dẫn đoàn doanh nghiệp Pakistan tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" được tổ chức tại TP. HCM hồi tháng 6/2024.
Thành quả đầu tiên sau khi dự sự kiện này, Tập đoàn siêu thị IMTIAZ (Pakistan) đã nhập khẩu lô nước trái cây đầu tiên từ Việt Nam bao gồm nước xoài, nước dứa, nước vải, nước nho, nước táo, nước ổi.
Điều đáng nói, Pakistan là một trong các "đế chế" xoài của thế giới, đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu xoài. Đặc biệt, Pakistan không chỉ là đế chế xoài mà còn có nhiều loại trái cây phong phú có sản lượng thương mại cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến như: táo, nho, đào, lựu, ổi... Vì vậy, Pakistan cũng là nước xuất khẩu trái cây lớn, đứng thứ 25 trên thế giới.
Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ các mặt hàng nông sản truyền thống (chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra …) đến các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, giầy dép), các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao (điện thoại di động, máy giặt, máy in …).
Hơn nữa, Pakistan là thị trường dễ tính, không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động...
Song, giữa Việt Nam và Pakistan có sự khác biệt về văn hóa, cản trở doanh nghiệp Việt Nam đi Pakistan khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Trong khi đó, thị trường Pakistan là thị trường đang phát triển. Khách hàng rất nhạy cảm với yếu tố giá. Hàng xuất khẩu sang thị trường Pakistan phải có giá rẻ mới có nhu cầu cao.
Hạ tầng thương mại của Pakistan còn lạc hậu. Các hội chợ, triển lãm, hiệu quả thấp. Thương mại điện tử mới đang bắt đầu phát triển. Doanh nghiệp nhập khẩu còn nặng tính gia đình, bộ tộc...
Thương vụ Việt Nam tại Pakistan nhận định, Việt Nam xuất khẩu được nước trái cây vào thị trường Pakistan là một thành quả đáng tự hào và có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ cấu hàng xuất khẩu sang các mặt hàng chế biến sâu có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Nhờ đó, tạo động lực phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng, tránh tình trạng "được mùa mất giá".
Để hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Pakistan tăng trưởng tích cực hơn nữa, Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phát triển sản xuất các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của khách hàng; thận trọng xác minh thông tin khách hàng để tránh rủi ro thương mại.