Theo công bố của nền tảng du lịch kỹ thuật số Agoda ngày 23/5, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng nhanh thứ ba ở châu Á đối với khách du lịch châu Âu, dựa trên lượt tìm kiếm chỗ ở trong tháng 4.
Cụ thể, Malaysia ghi nhận lượt tìm kiếm tăng 89% so với năm trước, Nhật Bản đứng thứ hai với mức tăng trưởng 71%, Việt Nam đứng thứ ba với lượt tìm kiếm tăng 66% từ du khách châu Âu.
Tại Việt Nam, ba điểm đến được du khách châu Âu tìm kiếm nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An và Nha Trang vì mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng, phiêu lưu và văn hóa. Ba điểm đến này cũng là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn tận hưởng tối đa kỳ nghỉ hè dài ngày ở Việt Nam.
Số lượng du khách đến từ châu Âu có lượng tìm kiếm Việt Nam nhiều nhất lần lượt đến từ Pháp, Đức, Anh, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Giám đốc Quốc gia Agoda Việt Nam - cho rằng: "Sự gia tăng trong lượt tìm kiếm về du lịch Việt Nam so với năm ngoái thể hiện sức hút ngày càng lớn của Việt Nam đối với khách châu Âu. Thật tuyệt vời khi ngày càng có nhiều du khách châu Âu lựa chọn Việt Nam làm điểm đến cho kỳ nghỉ hè của mình".
Ngoài ra, trong bối cảnh mùa hè châu Âu đang cận kề, những địa điểm du lịch châu Á, trong đó có Việt Nam, không chỉ nằm trong số những điểm đến phổ biến nhất ngoài châu Âu mà còn chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Agoda ghi nhận có 52% tăng trưởng trong lượt tìm kiếm nơi lưu trú của du khách châu Âu vào tháng 4/2024 cho hành trình du lịch châu Á vào mùa hè năm nay.
Những yếu tố trên cho thấy các điểm đến châu Á có sức hút mạnh mẽ nhiều du khách với nhu cầu du lịch đa dạng. Du khách châu Âu yêu thích du lịch đến châu Á bởi nơi đây mang lại sự phong phú trong trải nghiệm du lịch, từ nhịp sống sôi động trên đường phố, các di tích lịch sử lâu đời… cho đến thiên đường nghỉ dưỡng.
Theo Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,6 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,25 triệu lượt (chiếm 20%), tiếp theo là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) ở vị trí thứ 3 (418 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (301 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (235 nghìn lượt).