Báo cáo tiền tệ bán niên mới công bố của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không có quốc gia nào bị xem là thao túng tiền tệ. Để đánh giá điều này, Bộ Tài chính Mỹ xem xét ba tiêu chí: Thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều kéo dài.
Theo đó, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai không vượt quá 3% GDP; và cuối cùng là tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương trong 12 tháng. Nếu một quốc gia vi phạm 2 trong 3 tiêu chí trên thì sẽ bị đưa vào "danh sách giám sát".
Trong báo cáo này, Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore và Đức nằm trong “danh sách giám sát” khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Với Việt Nam, thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 5,8% GDP trong năm 2023. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD. Còn dự trữ ngoại hối là 88,1 tỷ USD, chiếm 21% GDP tính vào thời điểm cuối năm ngoái.
Báo cáo cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mua ròng ngoại hối trong 4 quý (tính đến tháng 12/2023) khoảng 7 tỷ USD, tức 1,5% GDP.
Cùng với đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhận xét tích cực với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này đánh giá cao những tiến triển của Việt Nam trong việc hiện đại hóa và tăng tính minh bạch của chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NHNN Việt Nam và xác nhận rằng Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Được biết, trong một năm tài chính, Mỹ sẽ có 2 lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn. Một khi nằm trong danh sách này, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.
Trước đó vào tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ và NHNN Việt Nam đã đạt được thỏa thuận giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam.