Việc “cấm đường” tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (Tuy Hòa - Phú Yên): Cần một tiếng nói chung “có tình - có lý”

05/11/2020 16:14

Trong chuyến công tác về thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) cuối tuần qua, tôi có dịp được tiếp xúc một vị giám đốc trẻ của doanh nghiệp Tuấn Tú (Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tuấn Tú). Anh là Đặng Đồng Hoan, một thanh niên Nam Trung Bộ hào sảng - người có hoài bão xây dựng doanh nghiệp phát triển theo một guồng quay liên tục và tạo dấu ấn riêng. Hơn chục năm qua, Đặng Đồng Hoan đã cần mẫn trên thương trường với khát khao trở thành doanh nhân mang tinh thần dân tộc, mang lại những giá trị an sinh cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp lần này, khi trao đổi với tôi, anh không giấu nổi những băn khoăn, trăn trở khi doanh nghiệp của mình đang đối mặt với một số vấn đề. Đặc biệt lại là vấn đề liên quan tới địa phương - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi doanh nhân Đặng Đồng Hoan chưa bao giờ nghĩ tới việc phải "tố" hay "kêu cứu" tới báo chí. Trao đổi với tôi, anh tha thiết đề nghị được "giải quyết vấn đề" của mình một cách có tình, có lý. Cá nhân anh và doanh nghiệp Tuấn Tú đều mong muốn tìm được "tiếng nói chung" cho vấn đề của mình cùng chính quyền địa phương. Anh không hề muốn tạo áp lực hay gia tăng sức ép với chính quyền trong vấn đề của mình.

Khi được hỏi "vấn đề của doanh nghiệp Tuấn Tú là gì?", Đặng Hồng Hoan nói rằng, khởi phát từ ý định phải có được một lộ trình vận chuyển tốt nhất cho đội xe của Công ty Tuấn Tú, đồng thời mong muốn sự vận chuyển của đội xe phải phù hợp với tổ chức giao thông tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nên vào năm 2013, doanh nghiệp Tuấn Tú có tạo dựng bãi đậu xe tại khu Bầu Cả (thôn Phú Vang). Khi xây dựng bãi đậu xe cũng là lúc địa phương phát động phong trào bê tông hóa nông thôn, một trong những chủ trương quan trọng trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn Phú Vang. Do đó, doanh nghiệp Tuấn Tú đã vận động doanh nghiệp tư nhân Trí Huệ cùng nhau đóng góp làm công trình đường bê tông (đoạn từ khu tái định cư Bầu Cả đến giáp Quốc lộ 1A), với quy mô công trình: Mặt đường rộng 6m, dài 850m, dày 23cm; tổng kinh phí hoàn thiện công trình là 1.089.842.067 đồng. Trong đó, Nhà nước chịu phần vật tư xi măng, doanh nghiệp Tuấn Tú đóng góp 416.055.000 đồng, doanh nghiệp Trí Huệ đóng góp 100.000.000 đồng tiền mặt và không thu tiền trong dân.

Việc “cấm đường” tại thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (Tuy Hòa - Phú Yên): Cần một tiếng nói chung “có tình - có lý”  - Ảnh 1.

 

Con đường bê tông do doanh nghiệp Tuấn Tú cùng người dân địa phương 
đóng góp vật chất và ngày công tạo dựng

 

"Từ lúc con đường bê tông này được đi vào hoạt động, người dân thôn Phú Vang vô cùng phấn khởi. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân vì từ đây họ có thể thụ hưởng hệ thống đường giao thông hiện đại, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, kinh doanh của bà con… Doanh nghiệp của chúng tôi cũng được thụ hưởng lợi ích này. Hàng ngày, đội xe của chúng tôi được lưu thông an toàn trên con đường rộng rãi, khang trang. Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt chú ý đến an toàn giao thông khu vực nông thôn. Đồng thời hàng năm đều đóng góp công sức và tiền bạc cùng địa phương duy tu, bảo dưỡng con đường này", doanh nhân Đặng Đồng Hoan chia sẻ.

Từ năm 2013 đến nay, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là con đường mới đã giúp cho việc đi lại thông thương hàng hoá của nhân dân thôn Phú Vang được thuận lợi và mở ra hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho nhân dân. Đồng thời, đây là tiền đề quan trọng để xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới. "Tuy nhiên, thật bất ngờ là vừa qua, chính quyền thành phố đã có động thái "cấm tải", không cho phép các ô tô và phương tiện vận tải ra vào tuyến đường này. Người dân thôn Phú Vang vô cùng bức xúc vì việc "cấm tải" đã hạn chế việc đi lại, thông thương hàng hóa. Doanh nghiệp Tuấn Tú cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định này.

"Hàng ngày, xe của chúng tôi không thể vào bãi đậu xe, việc lưu thông khó khăn khiến các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên trì trệ. Việc làm của cán bộ, công nhân viên công ty theo đó cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu vẫn tiếp tục bị gây khó khăn trong khâu vận chuyển, doanh nghiệp Tuấn Tú sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân - vốn là những người dân địa phương", doanh nhân Đặng Đồng Hoan trăn trở.

Chính vì vậy, ở thời điểm này, với cương vị là Giám đốc doanh nghiệp - người chịu trách nhiệm chính với toàn thể cán bộ công nhân viên công ty về vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động - doanh nhân Đặng Đồng Hoan khẩn thiết yêu cầu địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp Tuấn Tú có thể hoạt động bình thường trở lại. Việc dỡ bỏ lệnh "cấm tải" là mong muốn thống thiết của doanh nghiệp lúc này.

Thiết nghĩ, với một doanh nghiệp đã có những đóng góp về vật chất không nhỏ nhằm tạo dựng một con đường khang trang cho quê hương, xin hãy đừng gạt họ ra khỏi mối liên hệ đó. Hãy tạo điều kiện để doanh nghiệp được sử dụng hạ tầng giao thông mà họ góp công làm nên. Hãy để doanh nghiệp cùng nhân dân thôn Phú Vang đồng lòng hỗ trợ địa phương khai thác hiệu quả giá trị giao thương, đồng thời duy tu bảo dưỡng con đường này. Khi lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng đồng nhất, chắc chắn các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương sẽ được giải quyết triệt để. Từ đó, mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, phấn đấu đưa xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa trở thành địa phương phát triển nổi bật tại tỉnh Phú Yên.

Theo Phùng Sơn

"https://doanhnghieptiepthi.vn/viec-cam-duong-tai-thon-phu-vang-xa-binh-kien-tuy-hoa-phu-yen-can-mot-tieng-noi-chung-co-tinh-co-ly-161201104091233421.htm?fbclid=IwAR1z_Kjmd0pDoxpUoNc83stJA8pTQT43lT01FYmO_XyIXkq5ZpcdFldkUOc"