Sự hỗn loạn trên thị trường xảy ra khi xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng nóng lên, đặc biệt là khi các trang truyền thông đưa tin Mỹ đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Trước đó, IMF đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế cực kỳ nghiêm trọng từ cuộc xung đột và các biện pháp trừng phạt với Moscow.
Giá dầu, lúa mì, khí đốt tự nhiên và niken tăng vọt đang trở thành thách thức cho đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch vốn đã rất mong manh. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát cũng cao hơn đối với các quốc gia tiêu thụ năng lượng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hàng triệu người.
Dưới đây là diễn biến đáng chú ý của những loại hàng hoá trên và tác động đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Dầu
Hợp đồng tương lai dầu Brent đã tăng tới 18% lên 140 USD/thùng, sau đó giảm trở lại khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng Mỹ cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nga đã và đang xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dâu thô mỗi ngày, tương đương với khoảng 5% lượng tiêu thụ toàn cầu, cùng với đó gần 3 triệu thùng các sản phẩm tinh chế mỗi ngày (bao gồm các nguyên liệu quan trọng như diesel, dầu nhiên liệu và napta).
Hợp đồng tương lai dầu thô Brent chạm gần mức cao nhất mọi thời đại
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính cú sốc giá dầu khiến dầu tăng thêm 20 USD sẽ khiến GDP của eurozone giảm 0,6% và 0,3% ở Mỹ, Trung Quốc.
Niken
Giá niken trên LME vượt đỉnh lịch sử
Giá niken đã tăng tới 90% với mức độ biến động mạnh trên London Metal Exchange, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm trầm trọng. Kim loại này đã tăng tới 26.081 USD/tấn - ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 35 năm, sau đó đóng cửa phiên ngày hôm qua ở mức 48.078 USD.
Nga là một trong những nhà cung cấp kim loại lớn nhất thế giới. Nỗi lo về lệnh trừng phạt và khả năng vận chuyển kim loại này bị hạn chế đã khiến thị trường càng căng thẳng hơn. Hơn 70% nguồn cung niken toàn cầu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Tuy nhiên, việc sử dụng niken trong pin cho xe điện đã trở thành yếu tố mà thị trường rất quan tâm trong những năm gần đây.
Khí tự nhiên
Giá khí đốt tự nhiên châu Âu tăng kịch trần trong phiên 7/3
Hợp đồng khí đốt giao trước 1 tháng của Hà Lan - một chỉ số tham chiếu của châu Âu, đã tăng tới 79%, tương đương với mức giá dầu lên 600 USD/thùng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt đang ảnh hưởng đến thị trường. Dao động giá của hợp đồng này ở trong khoảng gần 139 euro/megawatt-giờ.Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khi đốt cho châu Âu. Do đó, việc giảm bớt hay loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế khi vực này và kéo dài cuộc khủng hoảng năng lượng sang mùa đông năm sau.
Nhiên liệu này chủ được sử dụng để sưởi ấm và tạo ra điện. Theo Gazprom, dòng chảy qua các đường ống đi qua Ukraine hiện vẫn đang ở mức cao và diễn ra bình thường. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn lo lắng về khả năng gián đoạn trong thời gian tới.
Lúa mì
Giá lúa mì đang ở mức cao kỷ lục. Căng thẳng Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt đang cắt đứt nguồn cung từ một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Cùng với Nga, Ukraine chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì ra toàn cầu.
Giá lúa mì tiến sát mức cao kỷ lục
Hợp đồng tương lai lúa mì tại Chicago tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, tăng 7% lên 12,94 USD/giạ. Tuần trước, giá lúa mì đã tăng đột biến 41% - mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ và giá lên cao nhất kể từ năm 2008. Hợp đồng tương lai lúa mì cũng phá kỷ lục sau khi tăng 11%.
Xăng
Hợp đồng tương lai xăng trên Nymex giao dịch ở mức cao nhất từ năm 2005
Giá xăng đang trở thành nỗi lo lớn với người tiêu dùng. Theo AA, giá trung bình của xăng không chì tại Mỹ hiện là 4.065 USD/gallon, chỉ kém 5 cent so với mức đỉnh. Hợp đồng tương lai xăng trên Nymex đã tăng cao kỷ lục hôm 7/3, giá bán lẻ cũng sẽ sớm tăng mạnh khi các nhà sản xuất nhiên liệu chuẩn bị "đón" mùa du lịch. Giá xăng tại Mỹ vẫn tăng mạnh dù quốc gia này đã giải phóng 30 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược.