Ngày 24/11, tại Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với chủ đề "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu Net Zero, bảo vệ môi trường nông thôn", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Đỗ Đức Duy đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp hội nông dân, để từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước.
Tại diễn đàn, nhiều bà con nông dân đặc biệt quan tâm đến các biện pháp canh tác mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và có thể kiếm thêm thu nhập từ việc được cấp và bán chứng chỉ carbon.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay HTX Nấm Tam Đảo đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng. Dâu tằm là cây lâu đời ở Việt Nam, là cây lấy lá nhưng luôn được duy trì tối thiểu 5 lá ở thời điểm cuối vụ, do vậy trên bề mặt luôn giữ được mặt bằng phủ xanh.
Ông Huy dẫn chứng, trồng dâu đang mang lại thu nhập cao đến 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn 180 triệu đồng/năm. Đồng thời, trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hóa học có chứa đạm vô cơ giúp bảo vệ môi trường, tạo dinh dưỡng cho đất. HTX đang làm việc với nhiều tỉnh để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới, cơ hội tơ tằm, tơ lụa của chúng ta rất tiềm năng, nhất là tại thị trường Ấn Độ.
Đáng chú ý, trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hoá học. Ông Huy khẳng định và nêu vấn đề "với các diện tích trồng dâu theo vùng lớn có thể được đo đếm và cấp chứng nhận tín chỉ carbon không?".
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, “phát triển diện tích trồng dâu nuôi tằm và hướng đến được cấp và bán tín chỉ carbon" là cách làm rất hay.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hiện nay nhu cầu phát triển trồng dâu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Nhất là tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ước tính có thể thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân rất tốt.
Đặc biệt, tại Yên Bái còn thu hút được nhà máy ươm tơ quy mô lớn và cho chất lượng cao xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. "Nếu chúng ta đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học... áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp, do vậy có tiềm năng bán tín chỉ carbon. Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con. Chúng ta hướng tới, xây dựng các phương thức cấp chứng chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tấn tín chỉ carbon tới năm 2025. Hiện nhiều đối tác bày tỏ quan tâm tới chuyển nhượng tín chỉ carbon, theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Hiện thế giới có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Còn thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
Thực tế, lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp được chuẩn bị từ năm 2014, khởi đầu với việc xây dựng tín chỉ carbon tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, dự kiến tới 2028 thị trường tín chỉ carbon chính thức mới vận hành, theo Nghị định 06/2022 về quy định giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone.