TP.HCM: Hướng đi mới trong xử lý rác thải

29/10/2020 21:05

Vận hành xử lý rác thải theo công nghệ mới sẽ giải quyết hết những vấn đề thường gặp trong xử lý rác thải truyền thống như: Chi phí, diện tích đất bố trí bãi rác và vấn đề phát tán mùi hôi, nước rỉ rác...

Vận hành xử lý rác thải theo công nghệ mới sẽ giải quyết hết những vấn đề thường gặp trong xử lý rác thải truyền thống.
Vận hành xử lý rác thải theo công nghệ mới sẽ giải quyết hết những vấn đề thường gặp
trong xử lý rác thải truyền thống. (Ảnh: NI NA)

 

Đi kèm với quá trình phát triển, khối lượng rác thải ở TP.HCM liên tục tăng nhanh qua các năm. Hiện nay, hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp. Về lâu dài thì vẫn có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, phát sinh côn trùng, ruồi muỗi và mùi hôi… đây chính là các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Từ thực trạng trên, TP.HCM đang thay đổi phương thức xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. Theo đó, một số bãi rác bằng công nghệ chôn lấp trước đây đã và sẽ đóng cửa.

Cụ thể, mới đây TP.HCM đã chấp thuận và đã khởi công 3 dự án: Nhà máy Xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi. Các nhà máy này đều dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2020.

Theo các chuyên gia, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều tính ưu việt như ít chiếm diện tích, sản xuất ra điện, ít phát tán mùi hôi hơn, phù hợp với đô thị. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, yêu cầu quan trọng là người dân phải chung tay phân loại rác tại nguồn. Nghãi là, rác phải được phân loại ngay tại nhà, thành 2 loại chính: rác tái chế và rác thải còn lại.

Đối với rác thải rác thải rắn công nghiệp và rác thải nguy hại, TP.HCM cũng cho xây dựng Nhà máy Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày với mục tiêu là tái chế xử lý chất thải công nghiệp, các chất nguy hại từ các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp; các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích, viện, trường đại học; các cơ sở y tế; cơ sở chăn nuôi… Nhà máy còn phục vụ chương trình thu hồi xe cơ giới quá hạn sử dụng của quốc gia. Được biết, dự án này do Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2020, vận hành chính thức vào khoảng tháng 9/2021.

Theo Nguyễn Tùng

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tp-hcm-huong-di-moi-trong-xu-ly-rac-thai-a117684.html"

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM: Hướng đi mới trong xử lý rác thải" tại chuyên mục XÃ HỘI.