Đó là mục tiêu của buổi Đối thoại “Thanh niên và doanh nghiệp hành động giảm ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Liên minh doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) vừa tổ chức cuối tuần qua. Buổi đối thoại có sự tham gia của nhóm Mắt Xanh (Nhóm nòng cốt của Dự án Thanh niên vì môi trường) và những thanh niên quan tâm tới vấn đề môi trường, các chuyên gia môi trường cùng với 3 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bao gồm Tập đoàn TH, Tetra Pak, Sri Thai.
Trong khuôn khổ Đối thoại, BTC đã trưng bày Triển lãm: “Nhựa: Sự sống hoang dã - Plastic matters: wild lives”. Triển lãm đã cung cấp rất nhiều thông tin về rác thải nhựa. Các bạn thanh niên và doanh nghiệp cùng suy ngẫm về các vấn đề rác thải nhựa qua những bức ảnh được chụp lại
Bà Nguyễn Thuỳ Anh (IUCN) giới thiệu về Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) và lý do đồng tổ chức Đối thoại thanh niên và doanh nghiệp hành động giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Bà Nguyễn Thuỳ Anh chia sẻ: “Câu chuyện bảo vệ môi trường không phải câu chuyện của riêng một cá nhânnào mà nó là câu chuyện của chúng ta. Câu chuyện của Nhà nước, câu chuyện của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội và là câu chuyện của thanh niên”
Ông Nguyễn Việt Hùng (Đại sứ Đại dương Xanh do Bộ TN&MT trao danh hiệu) chia sẻ về Hành trình chụp ảnh rác thải nhựa 7.000km tại 28 tỉnh duyên hải Việt Nam: “Khi đi tìm hiểu tôi cũng đặt ra những câu hỏi: Nhà máy rác của chúng ta không đủ công suất để xử lý rác hay là vì chúng ta chưa có một hệ thống xử lý rác thực sự hiệu quả”. “Trong chuyến đi, tôi nhận ra rằng phải giảm đồ nhựa và hành động của mỗi chúng ta mới thay đổi được môi trường”. “Tôi mong rằng: Chúng ta đi du lịch để xả stress chứ không xả rác”
Bà Dương Thị Phương Anh (Phó Trưởng Ban MTPTBV, ISPONRE, Bộ Tài Nguyên & Môi trường) chia sẻ về vấn đề quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Các số liệu mà bà đưa ra cũng như thực trạng quản lý rác thải nhựa của Việt Nam khiến những người tham gia phải suy ngẫm. Không chỉ là những con số, bà Phương Anh còn đưa ra các tác động của chính sách, pháp luật đến các vấn đề môi trường. Nhà nước đánh thuế mạnh vào các sản phẩm túi nilon và cũng đã có sự công nhận đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường
Ông Khúc Văn Quý (Chuyên gia kinh tế môi trường) chia sẻ về động lực và xu thế hiện nay để các doanh nghiệp tham gia vào bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa tại Việt Nam. Ông Quý cho rằng “Động lực hành động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp gồm 4 yếu tố: hình ảnh công ty, trách nhiệm xã hội, công cụ quảng cáo và luật lệ sân chơi quốc tế”. “Trong vấn đề bảo vệ môi trường cần phải có nhiều giải pháp khác nhau để tạo nên một hệ sinh thái”
Ông Nguyễn Thế Phương - Giám đốc Kế hoạch Tiếp thị - Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (thuộc Tập đoàn TH) chia sẻ các sáng kiến và hoạt động tăng cường sử dụng vật liệu nhựa thân thiện môi trường. Được biết, Tập đoàn TH là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất sữa tươi sạch tại Việt Nam và hiện đang sản xuất nhiều dòng đồ uống khác từ hoa quả, thảo dược, các loại hạt. Doanh nghiệp này rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu sử dụng nhựa PE trong các sản phẩm của mình. TH đã triển khai hàng loạt giải pháp giảm thiểu rác thải, phát triển bền vững. Sắp tới, DN này sẽ triển khai ý tưởng: nếu sử dụng túi vải (vải canvas thân thiện với môi trường) để mua sản phẩm sẽ có mã QR code để giảm giá sản phẩm cũng như tặng quà cho khách hàng nếu sử dụng túi vải
Tiếp theo là Tập đoàn Tetra Pak doanh nghiệp uy tín chuyên cung cấp các giải pháp đóng gói thực phẩm dạng lỏng. Ông Tạ Bảo Long- Giám đốc truyền thông Tetra Pak chia sẻ các sáng kiến về việc sản xuất hộp giấy và các loại hộp giấy đã được Tetra Pak tái chế. Các phẩm hộp giấy của tập đoàn Tetra Pak đều được sự chứng nhận của của Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) khi khai thác. “Khi chúng tôi hạ một cây xuống để sử dụng thì sẽ có 3 cây được trồng lại để đảm bảo sự tái tạo của rừng”. Đối với quá trình tái chế túi giấy, sau khi thực hành tái chế chúng tôi nhận thấy có 4 yếu tố để có thể thực hành tái chế: hạ tầng thu gom, đảm bảo năng lực tái chế, cơ hội cho thị trường nguyên liệu tái chế, nhận thức của người tiêu dùng
Cuộc đối thoại thu hút nhiều ý kiến thanh niên nhưng ấn tượng nhất là ý tưởng của Nguyễn Thị Ngọc- SV Đại học Bách Khoa- thành viên nhóm Mắt Xanh. Ngọc trình bày “Dự án Refill Việt Nam” với đề xuất: Xây dựng các trạm thu lại các bao bì. Ví dụ như: Doanh nghiệp có thể sử dụng các cửa hàng để trở thành các trạm thu bao bì, chai sữa… Đổi lại khách hàng sẽ được giảm giá trong các sản phẩm tiếp theo khi mua tại cửa hàng; Xây dựng dịch vụ thu bao bì tận nhà. Ví dụ: Áp dụng phương thức giao hàng tận nhà, đồng thời nhân viên giao hàng sẽ thu lại vỏ chai. Ngọc cũng đề xuất ý tưởng: “Ứng dụng kịch ứng tác vào đời sống để nâng cao nhận thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường” và mong muốn thanh niên kết nối với doanh nghiệp cùng nhau tạo nên những điều tốt đẹp cho môi trường, xã hội
Chia sẻ sau buổi Đối thoại, Nguyễn Bá Khải - thành viên nhóm Mắt xanh cho biết: “Qua buổi đối thoại, em được hiểu hơn về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa để nhìn nhận thẳng thắn, trực diện vấn đề, từ đó tự suy nghĩ về vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong hành động giảm thiểu “ô nhiễm trắng”. Nhóm thanh niên đều chia sẻ những khát vọng dấn thân trong lĩnh vực này và mong muốn lan tỏa được các thông điệp tích cực, tạo hành động mạnh mẽ trong giới thanh niên và doanh nghiệp trong cuộc chiến giảm thiểu rác thải nhựa đầy khó khăn và thách thức.
Cuộc đối thoại được tổ chức bởi Quỹ Vì Tầm vóc Việt và Liên minh doanh nghiệp Vì môi trường Việt Nam (VB4E). Trong đó VB4E là một sáng kiến do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khởi xướng, được thành lập cùng với Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên & Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tập đoàn TH, với mục tiêu tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Thông tin chi tiết vui lòng xem tại: http://www.vb4e.com/ |
Theo Huyền Trang