Top 10 siêu thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch không thể bỏ qua trong mùa dịch

24/03/2020 17:47

Một chế độ ăn uống khoa học, đủ chất giúp sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Dưới đây là 10 thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch, được các chuyên gia khuyên dùng.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường, nhiều người sẽ đặt câu hỏi ăn gì để tăng cường sức đề kháng. Dưới đây là 10 siêu thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng để phòng ngừa bệnh tật.
 
1. Sữa chua
 

Probiotics (lợi khuẩn) có trong sữa chua đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu của Đại học Vienna tại Áo cho thấy, nếu ăn khoảng 200ml sữa chua mỗi ngày, có lợi cho hệ miễn dịch hơn nhiều so với uống thuốc bổ sung.

Probiotics giúp tăng cường hàng triệu lợi khuẩn đường ruột, cân bằng môi trường tiêu hóa, không chỉ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, sữa chua còn chứa axit lactic có khả năng ngăn ngừa sự xâm nhập của virsu, vi khuẩn từ bên ngoài, kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da.

2. Tỏi

Trong tỏi có chứa allicin, một hợp chất có khả năng chống nhiễm trùng cao. Ăn tỏi thường xuyên giúp chống lại các bệnh do virus, vi khuẩn như cảm lạnh, cảm cúm...

Ăn tỏi giúp kích thích việc sản xuất các tế bào bạch cầu trong cơ thể con người có chức năng như một chất chống oxy hóa, chống lại tế bào ung thư. Một nghiên cứu còn chỉ ra một người ăn khoảng 6 tép một tuần giảm 30% nguy cơ bệnh ung thư đại trực tràng và nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cũng giảm hơn 50%.

3. Nấm

Từ lâu, con người đã coi nấm là loại siêu thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật. Các loại nấm có mũ được phát hiện rất giàu vi chất Selenium và chất chống oxy hóa, ngoài ra còn có vitamin B và niacin cao... hỗ trợ tối đa cho hệ miễn dịch.

Ăn nấm giúp xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh chống lại virus và vi khuẩn xâm nhập. Cơ chế này do ăn nấm sẽ làm tăng sản xuất và hoạt động của các tế bào máu trắng, tăng hoạt động chống viêm, kháng khuẩn của cơ thể.

4.Yến mạch và lúa mạch

Theo trang Prevention, các chuyên gia dinh dưỡng của Na Uy cho hay, trong yến mạch và lúa mạch chứa nhiều beta-glucan. Đây là một loại chất xơ có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa cực mạnh.

Động vật ăn nhiều lúa mạch không ít khi bị ốm, đặc biệt là bệnh than. Còn với người, ăn lúa mạch và yến mạch giúp tăng khả năng thay thế thuốc kháng sinh chữa lành vết thương và tăng cường sức miễn dịch.

5. Các loại hải sản có vỏ

Các loại hải sản có vỏ như hàu, tôm hùm, cua và nghêu... rất giàu chất selenium, có chức năng giúp các tế bào bạch cầu sản xuất cytokine. Đây là loại protein có khả năng đào thải virus cúm ra khỏi cơ thể.

Bên cạnh đó, các loại hải sản như cá hồi, cá thu, cá trích... đặc biệt giàu axit béo omega-3 có tác dụng củng cố hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm, đặc biệt là bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng và đường hô hấp khỏi cảm lạnh.

6. Súp gà

Các chuyên gia chỉ ra rằng các axit amin cysteine được sản sinh từ thịt gà trong món súp, có tác dụng như một loại thuốc trị viêm phế quản acetylcystein. Chất này giúp kháng viêm và sự lây lan của các tế bào bị viêm đồng thời giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, giảm ho tiêu đờm.

Nếu thêm một số loại gia vị như tỏi và hành tây vào món súp sẽ có lợi hơn nữa cho hệ miễn dịch.

7. Trà

Trang Prevention dẫn một nghiên cứu tại ĐH Harvard, Mỹ chỉ ra rằng những người uống 5 cốc trà đen mỗi ngày trong tối thiểu 2 tuần sẽ sản sinh interferon nhiều gấp 10 lần. Interferon là những cytokin xuất hiện tự nhiên có các đặc tính ngăn chặn xâm nhập và chống lại sự tăng sinh của virus.

Ngoài ta, các loại trà đen và trà xanh còn chứa nhiều axit amin L-theanine thúc đẩy hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa lão hóa hiệu quả.

8. Thịt bò

Thịt bò không chỉ giàu protein mà còn nhiều kẽm. Kẽm là một trong 6 vi chất không thể thiếu giúp củng cố hệ miễn dịch. Nếu thiếu kẽm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, giảm sự sản xuất của các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn.

Ngoài thịt bò, bạn có thể bổ sung các thực phẩm giàu kẽm khác như: hàu, ngũ cốc, thịt gia cầm, sữa chua, hoặc sữa…

9. Súp lơ

Súp lơ nói riêng và các loại rau họ cải rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa rất cần thiết cho cơ thể. Hàm lượng cao choline có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất ở tế bào, tăng đào thải các vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Glutathione trong súp lơ có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật.

10. Ớt chuông đỏ

Ớt chuông hay ở Việt Nam gọi là ớt ngọt, ớt Đà Lạt giàu vitamin C nhiều gấp đôi các loại trái cây họ cam quýt, củng cố hệ miễn dịch, chống viêm nhiễm. Mặt khác, quả này còn cung cấp beta carotene dồi dào, một tiền chất của vitamin A có tác dụng giúp làn da khỏe mạnh và mắt sáng. Vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất các mô liên kết, một thành phần quan trọng của da. Khi có làn da khỏe mạnh sẽ tạo thành lớp rào chắn ngăn vi khuẩn, virus xâm nhập.

Theo Hà Ly

"https://baosuckhoecongdong.vn/top-10-thuc-pham-tot-cho-he-mien-dich-158979.html"