Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan đưa ra ngày 20/11, xuất khẩu cả nước trong nửa đầu tháng 11 (1-15/11) đạt 16,73 tỷ USD.
Chỉ trong nửa tháng nhưng có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô. Dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 3,09 tỷ USD. Tiếp theo là các nhóm hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (2,3 tỷ USD); điện thoại và linh kiện 2,17 tỷ USD); dệt may (1,45 tỷ USD); giày dép (1,08 tỷ USD).
Chiều ngược lại, nhập khẩu nửa đầu tháng 11 đạt 16,7 tỷ USD, có 2 nhóm hàng nhập khẩu tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 4,67 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 2,25 tỷ USD. Như vậy, cán cân trong nửa đầu tháng này khá cân bằng.
Tính chung từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,48 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD và nhập khẩu đạt 329,1 tỷ USD. Cán cân thương mại xuất siêu hơn 23,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, mới qua 10,5 tháng của năm 2024 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu đã bằng cả năm 2023. Xuất nhập khẩu năm 2023 chịu nhiều tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, do đó không thể về đích với mục tiêu tăng trưởng 6%, mà chỉ cán đích 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm 2022.
Trong đó xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,05 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 326,37 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD), cán cân thương mại xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Tuy vậy, kết quả đạt được trong năm 2023 là mức kim ngạch cao thứ hai trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam, sau con số kỷ lục hơn 730 tỷ USD của năm 2022.
Năm 2024, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Nếu duy trì kim ngạch bình quân như hơn 10 tháng qua, năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 780 tỷ USD.