Thủ lĩnh dẫn dắt thị trường chứng khoán chuẩn bị gọi tên cổ phiếu ngân hàng?

16/03/2022 09:12

Các chuyên gia cho rằng, thị trường năm 2022 sẽ tiếp tục đi lên nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, thậm chí là trong nhóm ngành.

co4-1647396686.png

Tại buổi tọa đàm "Nhận định cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức ngày 15/3, các chuyên gia có góc nhìn tương đối khả quan với các nhóm ngành tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong đó không thể thiếu bóng dáng của ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng phòng khách hàng tổ chức của chứng khoán MBS, xu hướng chung về thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn tích cực, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng như số tài khoản mở mới vẫn tăng mạnh. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 2/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 210.883 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 16.000 tài khoản so với tháng liền trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản).

Thủ lĩnh dẫn dắt thị trường chứng khoán chuẩn bị gọi tên cổ phiếu ngân hàng? - Ảnh 1.

Ngân hàng tiếp tục trở thành ứng cử viên sáng giá có vai trò dẫn dắt thị trường trong năm tới. Theo ông Tuấn, bối cảnh phục hồi nền kinh tế năm 2022 là yếu tố thuận lợi để "bung" tín dụng hơn nữa. Trong trường hợp các chỉ số vĩ mô vẫn duy trì tích cực, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4% thì tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt tới 20% đối với các ngân hàng tầm trung trở lên.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần phải chú ý đến vấn đề nợ xấu. Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đã góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu cao hơn trong năm vừa qua, do vậy rủi ro đối nợ xấu của ngân hàng là yếu tố quan trọng trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Đây cũng là điểm khiến cho các cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa mạnh. Ông Tuấn cho biết, các ngân hàng thận trọng, có mức độ trích lập dự phòng cao trong năm 2021 sẽ có diễn biến giá cổ phiếu khả quan hơn.

Ngoài ra để đánh giá về các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng các nhà đầu tư cũng cần xem xét đến chỉ số NIM (Net Interest Margin). Năm 2021, đa phần các ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng NIM tương đối tích cực một phần do mặt bằng lãi suất huy động thấp. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chi phí vốn của các ngân hàng trong năm 2022 sẽ không còn rẻ nữa bởi lãi suất huy động đã tạo đáy. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có thể đối mặt với rủi ro tiềm ẩn lạm phát, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng được nâng lên. Những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ có lợi thế cạnh tranh trong ngành, giúp hạn chế sụt giảm biên lợi nhuận so với năm 2021, thậm chí là vẫn duy trì mức tăng trưởng NIM tích cực.

Theo chuyên gia, các yếu tố nói trên là cơ sở để chọn lọc ra các cổ phiếu ngân hàng tốt. Nhìn chung năm 2022, triển vọng đối với ngành này vẫn khả quan, với vốn hóa chiếm 1/3 thị trường thì ngân hàng tiếp tục là một trong những thủ lĩnh dẫn dắt thị trường.

Bên cạnh ngành ngân hàng, các chuyên gia cũng chia sẻ góc nhìn tiềm năng với các cổ phiếu nhóm chứng khoán và bất động sản. Đối với ngành chứng khoán, thống kê số tài khoản mở mới và khối lượng giao dịch đầu năm nay đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục tăng vốn để đáp ứng hoạt động kinh doanh và nhu cầu vốn cho các nhà đầu tư. Do vậy triển vọng của ngành chứng khoán vẫn tốt, quan trọng là nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn điểm mua sao cho hợp lý.

Ngành bất động sản sẽ tiếp tục hưởng lợi từ kinh tế phục hồi sau dịch, giá bất động sản tiếp tục tăng. Cổ phiếu của doanh nghiệp có nội tại tốt, các dự án triển khai đúng tiến độ… sẽ là những cổ phiếu thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư.

Cũng theo đại diện của Công ty chứng khoán Yuanta, tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trên sàn có thể đạt 21% vào năm 2022 và 20% vào năm 2023. Do vậy thị trường cổ phiếu sẽ vẫn là một kênh nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Huệ Minh