Thực tế việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế, chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường. Việc cơ cấu lại Ngành nông nghiệp còn chậm, một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung quy mô lớn còn ít. Bên cạnh đó ít có sản phẩm chế biến sâu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phát triển các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Thời gian qua Thanh Hóa xác định có 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Lúa gạo; rau, quả; mía đường; cây thức ăn chăn nuôi; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn; bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng; tôm; sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi.
Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể về diện tích, sản lượng, thị trường tiêu thụ cho từng sản phẩm chủ lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa ra giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu trong từng giai đoạn. Theo đó, phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp vào năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng, năm 2030 đạt 120 triệu đồng.
Về Đề án này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnhThanh Hóa Nguyễn Đức Quyền khẳng định, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững Ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Quyền cũng lưu ý đơn vị xây dựng Đề án cần chú trọng đến quy mô tổ chức các sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, nhất là các sản phẩm có diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và có thị trường suất khẩu.
Về sản phẩm chăn nuôi như thịt và trứng gia cầm, thịt lợn, cần phối hợp với Cục thống kê Thanh Hoá rà soát lại tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi tập trung để có định hướng phát triển phù hợp; chú trọng đến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gắn với chế biến.
Với sản phẩm chủ lực trồng trọt, cần bổ sung thêm hai loại cây trồng là cây ngô và cây gai phục vụ chế biến. Cây thức ăn chăn nuôi chủ yếu phục vụ chăn nuôi bò tuy nhiên khuyến khích tuyển chọn các giống cây cho năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhà máy chế biến để xuất khẩu. Đồng thời cần quan tâm đến giải pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Theo Lê Nam
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-phat-trien-cac-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-tinh-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030-a116399.html"