Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Lê Xuân Thịnh, thôn 4, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn), đây được xem là một trong những hộ tiên phong chăn nuôi gà theo hướng ATSH trên địa bàn xã. Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Thịnh chia sẻ: “Chăn nuôi gà theo hướng ATSH có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống đến cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển.
Cùng với đó, việc tuân thủ đúng theo quy trình chăn nuôi ATSH là khâu then chốt để đạt được hiệu quả kinh tế cao, như: Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn gà được sử dụng thức ăn từ ngô và lúa lên men sinh học, không để tồn dư lượng thức ăn công nghiệp. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh.
Theo anh Thịnh, có thể thấy rõ hiệu quả trong việc chăn nuôi theo hướng ATSH, như: Tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng cao... Mỗi năm, trang trại của anh nuôi trung bình khoảng 35 đến 40 nghìn con với 2 giống chính là gà lai chọi và gà ri; doanh thu từ 600 đến 900 triệu đồng.
Nhiều năm “lăn lộn” với mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia cầm, trăn trở lớn nhất của ông Trần Duy Hạnh ở thôn 5, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc) là làm sao để vừa phát triển sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những sản phẩm sạch, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sau khi được cán bộ kỹ thuật của trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn cách chăn nuôi gà theo hướng ATSH, ông đã tìm được lời giải cho “bài toán” phát triển chăn nuôi bền vững. Ông Hạnh cho biết: “Trước đây, khi nuôi bằng cách truyền thống, gà rất dễ bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, gà tăng trọng thấp... Mùi hôi thối từ chất thải không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Với mô hình nuôi gà thả vườn áp dụng ATSH tuy vốn đầu tư chuồng trại không cao nhưng đàn gà lại có sức đề kháng bệnh tốt, giảm tỷ lệ gà mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể”. Nuôi gà trên đệm lót sinh học không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động quét dọn, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, lông mượt và sạch. Vì vậy, giá bán luôn cao hơn giá gà công nghiệp từ 15 đến 20%. Cũng theo ông Hạnh, lứa gà nào đến thời điểm xuất bán cũng có nhiều thương lái đặt mua trước, mỗi năm ông xuất bán 2 lứa với số lượng trung bình 5.000 con/lứa, lợi nhuận từ 120 đến 130 triệu đồng/lứa.
Hiện nay, có khoảng 80% số hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh áp dụng chăn nuôi theo hướng ATSH, ở các huyện, như: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Như Xuân... Nói về ưu điểm của mô hình nuôi gà theo hướng ATSH, ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, cho biết: Có thể nói, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng ATSH đang dần trở thành hướng sản xuất hiệu quả, thúc đẩy ngành nông nghiệp của các địa phương phát triển theo hướng bền vững, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân. Nuôi gà theo hướng ATSH hạn chế nhiều loại dịch bệnh, chi phí đầu tư giảm nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi người nuôi có thể kiểm soát quá trình sản xuất cũng như hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, thông qua công nghệ chế phẩm sinh học balasa, hầm biogas, ủ phân compos giúp việc xử lý chất thải chăn nuôi dễ dàng hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Do đó, tỷ lệ hao hụt chỉ còn 2 - 7%, cho xuất chuồng sớm từ 10 đến 15 ngày, giảm ngày công lao động; hiệu quả kinh tế tăng từ 15 đến 20% so với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống. Đồng thời, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thanh-hoa-hieu-qua-mo-hinh-nuoi-ga-theo-huong-an-toan-sinh-hoc/20200507084630037"