Những năm gần đây, nhiều dự án có quy mô tầm cỡ quốc gia, quốc tế liên tục lựa chọn Thanh Hóa là điểm đến. Theo thông tin từ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong giai đoạn 2016 đến nay, toàn tỉnh này đã thu hút được 1.122 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 80 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, tăng 38% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Đặc biệt, đối với công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 129 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cũng theo đánh giá của phòng kinh tế đố ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, nhiều dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế.
Một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành và đưa vào vận hành, sử dụng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Kết quả đầu tư các dự án đã góp phần gia tăng năng lực sản xuất cho các ngành, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách của tỉnh; đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án, cùng với công tác cải cách hành chính, thời gian qua, được đánh giá là giai đoạn có những chuyển biến rõ nét về sự tiên phong, đổi mới của lãnh đạo tỉnh. Không chỉ rốt ráo, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp trong các khó khăn của từng doanh nghiệp cụ thể.
Tại các cuộc đối thoại hàng tháng, nhiều vấn đề vướng mắc trong thủ tục đầu tư, quá trình kinh doanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các ngành có liên quan, các địa phương sâu sát, tháo gỡ. Tỉnh cũng thường xuyên tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh.
Trao đổi với ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, cho biết: Mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa được thể hiện rõ nét trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Đây là chỉ số phản ánh tổng hòa chất lượng điều hành môi trường kinh doanh của các cấp, các sở, ngành.
Trong đó, đáng ghi nhận ở một số chỉ số tăng điểm khá, như: Chi phí không chính thức, chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian. Các chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động cũng tiếp tục tăng điểm, tạo môi trường kinh doanh với những điều kiện ban đầu thuận lợi cơ bản để doanh nghiệp tham gia thị trường.
Với mục tiêu đưa Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hoá năm 2020 diễn ra vào ngày 12/6 vừa qua, đã có 19 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 56.758 tỷ đồng đã được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đại diện chủ đầu tư của 15 dự án khác đang xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa cũng ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư, dự kiến tổng vốn đầu tư 285.177 tỷ đồng. Tổng số vốn đăng ký đầu tư của 34 dự án nói trên tương đương gần 15 tỷ USD.
Theo Hoài Thu
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-dung-thu-8-trong-ca-nuoc-ve-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-a103285.html"