Theo đó, tỉnh yêu cầu khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời Khu dân cư Lưu Minh, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình - khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao với khoảng 96 hộ, 384 nhân khẩu. Phạm vi: Phía Đông giáp Quốc lộ 1A; phía Tây giáp đồng ruộng; phía Nam giáp đường 3/2 và phía Bắc giáp khu dân cư. Thời gian thực hiện 14 ngày, từ 0h ngày 03/08/2020.
Quyết định số 2092/QĐ-UBND được đưa ra trong thời điểm này nhằm chủ động khống chế, khoanh vùng, bao vây đảm bảo không để dịch lây lan, bùng phát trong cộng đồng; yêu cầu người dân ở Khu dân cư Lưu Minh ở nhà, hạn chế tối đa ra đường, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu (trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn); không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, tại nơi công cộng và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Khu dân cư Lưu Minh được xác định là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao khi đã có các ca bệnh nhiễm COVID-19 là BN 522, BN 523 (công bố vào chiều ngày 31/7) BN 561, BN 597, là con ruột BN 522 và BN 523; BN598, BN599, BN560 là cháu của BN522, BN523 (công bố vào chiều 2/8).
Đáng lưu ý là các các bệnh nhân BN561, BN597 có lịch trình di chuyển, tiếp xúc khá phức tạp: BN 561 (SN 1984) là con ruột của BN 522 và BN 523. Vào các ngày 12/7, 19/7, 23/7, BN có ra Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc BN 522 (ra chăm sóc ban ngày; buổi tối trở về nhà). Tại Bệnh viện Đà Nẵng, BN chỉ tiếp xúc với nhân viên căn tin; 3 điều dưỡng; 1 bác sĩ Trưởng khoa Thận nội tiết khoảng 15 phút vào ngày 23/7 mà không đeo khẩu trang.
Bệnh nhân là nhân viên Khoa Liên chuyên khoa Mắt-TMH-RHM TTYT Thăng Bình; là chủ quán Cafe Sen Hồng, 79 Lý Tự Trọng, Thị trấn Hà Lam. Hằng ngày, BN đi làm tại Khoa Liên chuyên khoa Mắt-TMH-RHM (trừ những ngày đi Bệnh viện Đà Nẵng). Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
Hằng ngày khoảng 10 giờ 30 đến 11 giờ, BN thường đi chợ tại khu chợ Ngã tư Hà Lam (phía trên đèn xanh đèn đỏ ngã tư Hà Lam khoảng 500m). Khoảng 1 đến 2 lần/tuần, đến mua hàng nhu yếu phẩm tại Tạp hóa Cô Mai - nằm trong chợ Hà Lam. Công việc tại quán cafe giao cho nhân viên làm việc, hằng ngày vào sáng sớm, ghé quán cafe để hỗ trợ công việc điều hành quán và thường uống tại riêng 1 bàn với những người quen. Theo thông tin từ BN khai báo, trong thời gian này, tại quán Cafe Sen Hồng có khoảng gần 60 khách tới uống cafe.
BN 597 (nam, SN 1981), có nghề kinh doanh quán cafe tại nhà. BN là con của BN 522; 523, sống cùng nhà với 2 BN này. Thời gian từ 9/7 đến 22/7, BN hằng ngày ra Khoa Thận nội tiết, BV Đà Nẵng chăm sóc bố là BN 522 (sáng ra Đà Nẵng, chiều về lại Quảng Nam).
Từ ngày 22/7 đến 29/7, BN chỉ ở nhà chăm sóc bố là BN 522, hằng ngày BN đi chợ tại khu chợ Ngã tư Hà Lam (phía trên đèn xanh đèn đỏ ngã tư thị trấn Hà Lam khoảng 500m). BN có quán cafe riêng nhưng trong thời gian này BN không trực tiếp có mặt tại quán để bán cafe.
Căn cứ vào lịch trình di chuyển, tiếp xúc của các BN, có thể BN đã tiếp xúc với nhiều người. Do đó, cần phải phân tích chi tiết nhật ký trình di chuyển, tiếp xúc của người bệnh để xác định khu vực cần khoanh vùng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Nếu diễn biến phức tạp hơn, cần xét nghiệm SARS-CoV-2 tất cả các trường hợp sinh sống trong khu vực thị trấn Hà Lam.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngoài các trường hợp BN nêu trên ở huyện Thăng Bình, tại các địa phương như Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn đã có người nhiễm COVID-19. Trên cơ sở sự giám sát, kiểm tra thường xuyên tại các khu vực cách ly, lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia y tế nhận định, đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Người dân không nên hoang mang, lo lắng mà cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh.
PS