Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 51/2019/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Tại khoản 17 Điều 1 của Luật, Quốc hội giao Chính phủ quy định: Việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 và khoản 3a Điều 12 của Luật có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Còn theo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13) thì người nước ngoài đề nghị cấp thị thực phải có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh. Đồng thời quy định đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc vào thị thực rời. Luật số 51/2019/QH14 bổ sung quy định về việc người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam qua Cổng kiểm soát tự động và không quy định về hình thức cấp chứng nhận tạm trú. Do vậy, cần quy định hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho từng trường hợp cụ thể để thống nhất thực hiện và phù hợp với thực tế.
Từ những vấn đề trên, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật số 51/2019/QH14 là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
Với bố cục 3 Chương, 7 điều, các nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng đảm bảo tuân thủ quy định của Luật số 47/2014/QH13 và Luật số 51/2019/QH14; bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giải quyết cho người nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 và khoản 3a Điều 12 của Luật số 51/2019/QH14, có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân của Việt Nam làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại Điều 19 Luật số 47/2014/QH13.
Đối với trường hợp công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển theo diện miễn thị thực có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thực hiện theo 2 trường hợp. Theo đó, trường hợp đã tạm trú chưa đến 15 ngày thì đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đóng dấu “hết giá trị” vào chứng nhận tạm trú cũ và cấp chứng nhận tạm trú mới với thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp đã tạm trú từ 15 ngày trở lên thì thực hiện thủ tục cấp thị thực theo quy định tại Điều 19 Luật số 47/2014/QH13.
Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nếu hết thời hạn tạm trú và có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì việc cấp thị thực thực hiện theo điều ước quốc tế.
Về vấn đề cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam thì phải thông qua cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai thực hiện điều ước quốc tế đó để làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Về hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc thị thực rời, trừ trường hợp người nước ngoài nhập cảnh qua Cổng kiểm soát tự động.
Theo vietnamhoinhap.vn
"https://vietnamhoinhap.vn/article/tao-thuan-loi-cap-thi-thuc-cho-nguoi-nuoc-ngoai-vao-viet-nam---n-30221"