Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đạt 18-20%

11/12/2024 09:41

Theo báo cáo số 9950/BCT-KHTC của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Báo cáo của Bộ Công Thương về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 đưa vào Nghị quyết năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 10 tháng năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đã đạt 18-20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao.

Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng.

Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...

Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đạt 18-20%- Ảnh 1.

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C năm 2024 đã đạt 18-20%. Ảnh: Int

Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Điều này cho thấy một tương lai đầy triển vọng của thương mại điện tử tại Việt Nam. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hạ tầng thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng và triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn.

Đồng thời, cơ quan quản lý đã đầu tư xây dựng và vận hành các nền tảng hỗ trợ như Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam và KeyPay, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh số thuận lợi, hiện đại và thông suốt.

Trước những kết quả đã đạt được trong năm 2024, sang năm 2025, Bộ Công Thương sẽ chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, theo dõi tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh chính sách.

Bộ cũng sẽ chủ động trình Chính phủ kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn mới, đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để tạo ra một môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Huyền My (t/h)