Theo đó, việc ban hành Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 nhằm góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho nhà nước, hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn lậu, GLTM và kinh doanh hàng giả.
Kế hoạch quy định về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, GLTM và hàng giả trong hoạt động TMĐT; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động TMĐT; góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.
Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng được phân công thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; không bao che, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, GLTM và kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT. Quá trình thực hiện kế hoạch không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, gây cản trở hoạt động SXKD bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng trên, BCĐ 389/QG giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng liên quan: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực TMĐT.
Xây dựng các kế hoạch, chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TMĐT, về tác hại của các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT, về các vụ việc đã phát hiện, xử lý để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia tố giác các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật.
Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân; tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng TMĐT để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp phát hiện, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu, GLTM, hàng giả trong hoạt động TMĐT; Chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT; tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời.
Văn phòng Thường trực BCĐ 389/QG có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng trung ương và địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế phối hợp cụ thể theo từng giai đoạn để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, DN trong và ngoài nước tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu để đánh giá đúng thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, GLTM, hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Theo BCĐ 389/QG, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, TMĐT ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho DN, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này đang phát sinh nhiều rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng.
Tình trạng này có nguyên nhân chủ yếu do hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên, liên tục; năng lực, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực TMĐT của các lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế; nhận thức, kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa cao, chưa biết cách để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Nguyễn Kiên
"https://thuonghieucongluan.com.vn/tang-cuong-cong-tac-chong-buon-lau-gltm-va-hang-gia-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-a116063.html"