Quy định về sử dụng mã vạch gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

08/05/2020 22:01

Quy định về việc sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên hàng hóa XK phải có ủy quyền của chủ sở hữu mã số, mã vạch hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đang là vướng mắc lớn vì quy định này thiếu cơ sở pháp lý, không có thông lệ quốc tế và đang gây khó khăn cho DN ngành thủy sản.

Mã số mã vạch trên sản phẩm cá tra Việt Nam bán cho Tập đoàn siêu thị Tesco (Anh)

 

Ngày 22/4/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã gửi Công văn số 46/2020/CV-VASEP tới Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách TTHC; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu tại NĐ 74/2018.

Tại công văn này, Vasep kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch” của Chương II “Quản lý nhà nước về mã số, mã vạch” và bổ sung Điều 19a, 19b, 19c, 19d trong Mục 7”.

Trong khi chờ Chính phủ xem xét, bãi bỏ Khoản 9, Điều 1 của Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Vasep kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng thực hiện quy định về “sử dụng mã nước ngoài” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do dịch bệnh Covid-19.

Theo Vasep, quy định này đã làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và làm gia tăng thêm chi phí cho DN. DN đang phải trả phí 500.000 đ/lần đăng ký (đối với Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm) hoặc 10.000 đ/sản phẩm (đối với Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm). Với số lượng lớn các sản phẩm XK hiện nay của Việt Nam, tổng chi phí của các DN phải chi trả cho việc ghi mã số, mã vạch trên nhãn cho các lô hàng XK là một con số không nhỏ.

Trong khi đó, khi DN liên hệ với cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh để xin cấp Giấy xác nhận thì được thông báo là DN phải liên hệ với Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (GS1) tại Hà Nội do địa phương không có thẩm quyền. Mà khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài theo hướng dẫn của GS1, thủ tục xin cấp Giấy xác nhận với GS1 còn yêu cầu phải có: Thư ủy quyền phải yêu cầu có thời hạn ủy quyền và Hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận (phải kèm bảng dịch thuật tiếng Việt).

Các giấy tờ trên đều thường khó xin, tốn nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy, chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 6 tháng.

Việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh doanh, xuất nhập khẩu gặp nhiều sóng gió do dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, chật vật tìm kiếm khách hàng đã mệt, các yêu cầu và thủ tục không cần thiết, vô lý lại càng làm khó doanh nghiệp hơn", Vasep cho biết.

Theo T.Bình

"https://thuonghieucongluan.com.vn/quy-dinh-ve-su-dung-ma-vach-gay-kho-cho-dn-xk-thuy-san-a97924.html"