Quảng Nam – Đà Nẵng: Thủy điện cần tranh thủ mực nước vùng hạ du giảm để tăng xả tràn

12/10/2020 17:17

TS Lê Hùng, Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng kiến nghị, mực nước vùng hạ du giảm xuống thì các thủy điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn nên tăng lưu lượng xả tràn để sớm đưa mực nước hồ về các mốc an toàn, hợp lý nhằm chủ động giúp tích nước, giảm lũ cho hạ du ứng phó với các trận lũ sắp đến.

Trong 6 – 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia xuống chậm

Lúc 7h sáng nay 12/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Đà Nẵng cho hay, hiện mực nước trên sông Vu Gia đang lên, các sông thuộc TP Đà Nẵng đang dao động ở mức báo động (BĐ)2. Mực nước lúc 04h00 ngày 12/10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 9.69m, trên BĐ3: 0.69m; trên sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 2.09m, trên BĐ2: 0.09m.

TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng thủy lợi - thủy điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) kiến nghị
TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) kiến nghị
thủy điện Sông Bung 4 cần tranh thủ tối nay 12/10 và ngày mai 13/10 để đưa mực nước hồ 
về mực nước trước lũ là 217.5m

 

Trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia có khả năng đạt đỉnh và xuống chậm, các sông thuộc Đà Nẵng dao động ở mức BĐ2 - BĐ3. Mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng 8.80m, dưới BĐ3: 0.20m; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 2.3m, dưới BĐ3: 0.20m.

“Hiện tình trạng ngập lụt vẫn còn ở khu vực ven sông và vùng trũng thấp huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu!” – Ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Đà Nẵng cho hay.

Ông cũng cho biết, do mưa lớn kéo dài, hiện hai hồ chứa thủy lợi lớn nhất ở Đà Nẵng là hồ Hòa Trung và hồ Đồng Nghệ đều đã đầy hoặc xấp xỉ đầy nước, phải xả tràn. Cụ thể, hiện mực nước hồ Hòa Trung đã lên tới 41,70m so với dung tích chứa 41,10m và đã xả tràn; mực nước hồ Đồng Nghệ hiện tại là 32,35m/33,3m và nước cũng đã qua tràn xả sâu (ởcao trình 30.30m). Các hồ vừa và nhỏ đều đã đầy.

Trong khi đó, các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương ở thượng nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam) tiếp tục xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Tính đến 5h ngày 12/10, mực nước các hồ thủy điện như sau: A Vương 376.25/370 (m), Q xả tràn + chạy máy: 484,91m3/s; ĐakMi 4: 257.23/251,5 (m), Qxả tràn 333,12 m3/s; Sông Bung 4: 221,36/216 (m), Q xả tràn + chạy máy: 1317,70m3/s.

Lưu lượng nước về các hồ chứa và sông ở thượng nguồn đã giảm

TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho hay, qua quan sát lúc 4h sáng nay 12/10 thì lưu lượng nước về các hồ chứa và các sông ỏ thượng nguồn đều đã giảm, số liệu tại các trạm đo đạc trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn cho thấy gần như không mưa hoặc có mưa rất ít.

TS Lê Hùng cho biết, ngày 11/10, qua quan sát diễn biến áp thấp nhiệt đới và bão số 6 cũng như tình hình lũ dịch chuyển lưu vực, ông đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam và các chủ hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn nghiên cứu cắt lũ. Theo ghi nhận của ông, đến sáng sớm nay 12/10, các hồ thủy điện bên nhánh Vu Gia đã thực hiện điều tiết và đưa mực nước lên mực nước trước lũ rất hợp lý, làm tăng hiệu quả cắt lũ cho hạ du trong thời gian tới.

Theo các số liệu ghi nhận của TS Lê Hùng, đến 4h sáng 12/10, mực nước hồ thủy điện A Vương là 376.25m (mực nước trước lũ 376m), Q về (lưu lượng nước về hồ) hiện tại là 851 m3/s; hồ thủy điện Sông Bung 4 mực nước 221.5m và Q về = 1059.5 m3/s; hồ thủy điện Sông Tranh 2 mực nước là 168.84m và Q về = 663.7 m3/s; hồ thủy điện Đak Mi 4 lưu lượng còn 1.657.3m3 và mực nước 257.23m còn cách mực nước dân bình thường 0.77m.

Qua quan sát diễn biến biến mưa giảm sau khi bão số 6 suy yếu và tình hình áp thấp nhiệt đới mới hình thành trên Biển Đông có chiều hướng đi vào khu vực vịnh Bắc bộ, TS Lê Hùng nhận định, lưu lượng nước về các hồ chứa ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam) sẽ tiếp tục giảm trong ngày hôm nay 12/10.

Các hồ thủy điện cần tranh thủ mực nước hạ du giảm để tăng lưu lượng xả tràn

“Mực nước tại Ái Nghĩa và Giao Thuỷ sẽ giảm mạnh trong sáng và chiều nay 12/10. Trong khi đó, mực nước vùng hạ lưu sẽ tăng, nhánh Câu Lâu và Hội An sẽ đạt đỉnh trong sáng và trưa nay. Hiện tại mực nước ở Hội An đã 2.71m và cũng sẽ tiến dần đến mức 2.8 - 3.0m, tức cao hơn mức báo động 3 là 0.8-1.0m. Cẩm Lệ tại Đà Nẵng sẽ đạt đỉnh trong chiều và sẽ tiến dần đến gần báo động 3” – TS Lê Hùng nhận định.

Do vậy ông kiến nghị, tối nay 12/10 và ngày mai 13/10, khi các mực nước vùng hạ du đạt đỉnh và bắt đầu giảm xuống thì các thủy điện có thể tăng cường vận hành xả tràn với lưu lượng lớn hơn hiện tại, để sớm đưa mực nước hồ về các mốc an toàn, hợp lý nhằm chủ động giúp tích nước, cắt giảm lũ hiệu quả cho hạ du ứng phó với các trận lũ sắp đến.

Cụ thể, TS Lê Hùng kiến nghị chủ hồ A Vương nên tranh thủ khi mực nước vùng hạ du giảm xuống để đưa mực nước hồ về mức trước đón lũ là 370m; hồ Sông Bung 4 mực nước đang rất cao, xấp xỉ mực nước dâng bình thường, cố gắng đưa về mực nước trước lũ là 217.5m; hồ Đăk Mi 4 đưa về mực nước trước lũ là 255m; hồ Sông Tranh đưa về mực nước trước lũ 165m. Sau đó tuỳ tình hình, các hồ Đăk Mi 4 và Sông Bung 4 cố gắng đưa về luôn mực nước đón lũ.

“Các chủ hồ hãy an tâm, hiện mới gần giữa tháng 10, với các trận lũ vừa qua dòng chảy cơ bản sẽ lớn, vì vậy năm nay việc trữ nước lên mực nước trước lũ nên sau mốc thời gian 15/11, tôi chắc chắn cũng dễ dàng đầy hồ trong cuối năm. Từ nay đến thời điểm đó vẫn còn vài trận lũ, vì vậy các hồ thủy điện nên cố gắng hạ mực nước lúc này để có thể tích nước ở các trận lũ đến, nhằm góp phần cắt lũ, giảm lũ và giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ du!” – TS Lê Hùng kiến nghị.

Theo Hải Châu

"https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/quang-nam-da-nang-thuy-dien-can-tranh-thu-muc-nuoc-vung-ha-du-giam-de-tang-xa-tran/20201012084022200"