Phá hoại công trình điện có thể bị phạt tù chung thân

23/03/2021 17:59

Theo Điều 138 Bộ Luật Hình sự năm 2009, ngoài việc khắc phục hậu quả và xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng, các đối tượng nếu tái phạm và gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù ở mức cao nhất từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Nguy hiểm và liều lĩnh

Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 4-12/7/2020), trên địa bàn TP.Nam Định đã xảy ra 14 vụ trộm cắp thiết bị điện tại 13 TBA (có trạm bị trộm tới 2 lần). Đối tượng được xác định Phạm Văn Thành (xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Cho đến khi bị bắt, Thành đã trộm được tổng cộng 91 kg cáp đồng, bán cho cửa hàng thu mua đồng nát.

Cũng mới đây, kẻ gây ra 11 vụ trộm cắp dây cáp điện trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã bị công an tóm gọn khi đang chuẩn bị thực hiện hành vi của mình.

Phá hoại công trình điện có thể bị phạt tù chung thân - Ảnh 1.
Cán bộ Điện lực Quảng Trị khắc phụ sự cố

 

Nghiêm trọng nhất có thể kể đến vụ mất trộm 70 thanh giằng trên nhiều trụ điện thuộc đường dây cao thế 110 kV tuyến Đông Hà- Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) vào ngày 30/7/2020. Đây là tuyến đường dây độc đạo cấp điện cho khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị và một số vùng lân cận của Lào.

Đáng chú ý, những đối tượng này đều có "nghề" nên mới liều lĩnh như vậy. Như vụ việc ở TP. Nam Định, đối tượng Thành khai nhận từng học làm cơ khí, có chút hiểu biết về điện, biết dây cáp trung tính không có điện nên nảy sinh ý định trộm cắp, bán lấy tiền tiêu xài. Hay vụ việc Hà Hữu Dũng trộm cắp cáp điện ở Sơn Tây còn giả danh nhân viên điện lực, mang theo nhiều dụng cụ như kìm cộng lực, bút thử điện, găng tay cao su, quần áo thợ điện nhằm tránh sự chú ý của người dân để thực hiện hành vi của mình.

Theo ông Lê Trọng Tài- Phó Ban Pháp chế Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đây không chi là những vụ trộm cắp đơn thuần mà nó còn để lại những hậu quả khôn lường. Thử hình dung, không có các thanh giằng chịu lực, khi có gió mạnh có thể kéo theo hàng loạt các trụ điện gãy đổ, hàng ngàn hộ dân bị mất điện, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân gần khu vực đó.

Hay như việc mất dây trung tính tại trạm biến áp sẽ dẫn đến điện áp tăng cao gây chập cháy các thiết bị điện, phải mất nhiều giờ để khắc phục, đời sống, sản xuất của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Xử phạt nghiêm khắc

Số tiền mà các đối tượng thu lại rất nhỏ so với những thiệt hại gây ra cho ngành Điện và nhân dân. Nhưng sau đó phải đối mặt với mức án rất nặng. Dù vậy, các đối tượng vẫn "ngựa quen đường cũ" nhiều lần ở cùng một địa điểm. Đây là sự liều lĩnh và vô cùng manh động của các đối tượng.

Theo công an TP. Nam Định, các đối tượng này đều có chủ đích, lợi dụng những nơi vắng vẻ, những điểm xung yếu để thực hiện hành vi vi phạm của mình. Nhiều trường hợp tương tự đã bị xử phạt hành chính, phạt tù nhưng các đối tượng vẫn không lấy đó làm bài học răn đe bản thân mình.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này trong thời gian tới.

Ngành điện thời gian qua vẫn rất sát sao phối hợp cùng công an, chính quyền địa phương vào cuộc để bảo vệ những công trình điện, đảm bảo cung cấp điện đến khách hàng. Song thiết nghĩ, Ngoài những chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật, sự vào cuộc ấy, rất cần dựa vào "tai ,mắt" của nhân dân mới có thể ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.

Vì vậy, theo các cơ quan chức năng, ngành điện trước hết cần tuyên truyền đến người dân ý thức bảo vệ, phát hiện và phòng chống kẻ gian trộm cắp trang thiết bị điện; thưởng nóng hoặc có quy chế khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào, để mỗi người dân là một "trị an viên", góp phần bảo vệ tài sản của ngành Điện và quyền lợi của chính khách hàng sử dụng điện.

Theo Minh Đăng

"https://doanhnghieptiepthi.vn/pha-hoai-cong-trinh-dien-co-the-bi-phat-tu-chung-than-161210320100430681.htm"