Nhanh đạt miễn dịch hơn?
Một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra tốc độ lây lan của biến thể này có thể giúp chấm dứt đại dịch Covid-19. Omicron càng lây lan nhanh thì càng nhanh thay thế biến thể Delta và trở thành biến thể chủ đạo, tức là Omicron sẽ thay thế biến thể độc hơn. Vì mặc dù Omircon lây lan nhanh hơn nhưng lại gây ra ít ca nhập viện hơn.
Hơn nữa, các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron cũng không khác nhiều so với nhiễm cúm và cũng chỉ kéo dài trong 4-5 ngày. Trên thực tế, giới chức Mỹ cũng đã giảm thời gian cách ly tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 nhiễm biến thể Omicron xuống còn 5 ngày. Ở Mỹ, những người nhiễm Omciron có thể ra ngoài sau 5 ngày được phát hiện mắc bệnh nếu không có triệu chứng.
Theo quy luật tự nhiên của virus, khi chúng đột biến, chủng sau bao giờ cũng lây lan nhanh hơn chủng trước. Ví dụ dễ nhất đó là sự xuất hiện của chủng Delta nhanh chóng lây lan ra toàn cầu, thời gian ủ bệnh nhanh hơn, chu kỳ lây lan ngắn hơn. Sự xuất hiện của chủng Omicron cũng tương tự như vậy, tốc độ lây của chúng nhanh hơn chủng Delta gấp 5 lần nhưng độc lực với con người giảm hơn.
Với những điều kiện đó, các nhà khoa học đang hy vọng biến thể Omicron sẽ nhanh chóng trở thành Coronahuman (virus thuần với người) và trong tương lai, virus SARS-CoV-2 sẽ thuần với con người hơn.
BS Trương Hữu Khanh – Nguyên trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng đặt giả thiết, với tốc độ lây lan hiện tại ở trên thế giới thì khả năng đạt miễn dịch cộng đồng sẽ đến sớm trong quý 1/2022.
Việt Nam vẫn kiểm soát để giữ thế chủ động
PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng biến thể Omicron lây lan nhanh thì khả năng cao chúng sẽ là chủng chiếm ưu thế trong thời gian tới.
Các dự đoán về biến thể Omicron có khả năng trở thành liều vắc xin tự nhiên để đạt miễn dịch cộng đồng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, PGS Dũng lưu ý chúng ta không được lơ là, chủ quan, không thể để dịch lây lan rộng vì nếu biến chủng mới gây ra triệu chứng nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp nhưng tốc độ lây gấp 5 lần Delta thì tỷ lệ tử vong giảm 1/3 cũng không đáng kể. Chỉ cần 1000 ca mắc có 1% ca bệnh cần ICU thì cũng gây quá tải cho hệ thống y tế.
PGS Dũng cho rằng chúng ta chỉ chấp nhận miễn dịch cộng đồng tự nhiên một cách từ từ, có kiểm soát chứ không thả lỏng được.
BS Huynh Wynn Trần – Tổ chức y khoa VietMD cho rằng trong lịch sử, có nhiều đại dịch đã kết thúc, nhưng virus hay căn bệnh vẫn còn tồn tại và có thể tiếp tục ở chung với chúng ta. Ví dụ rõ nhất là virus cúm gia cầm H1N1 (từ năm 2009) và việc chích ngừa vắc xin cúm hằng năm có thể giúp chúng ta bảo vệ bản thân khỏi virus này. Tuy không còn là đại dịch, cúm mùa hằng năm vẫn gây ra khoảng 30.000 đến 80.000 ca tử vong tại Mỹ. Đại dịch Covid-19 có thể kết thúc nếu ca tử vong và nhập viện ở mức thấp.
Tuy nhiên, thấp như thế nào để có thể gọi là chấp nhận được còn tùy vào mỗi nước và điều kiện xã hội. Ví dụ như bệnh dịch lao phổi tại Việt Nam hiện nay cướp đi mạng sống của khoảng 17,000 người mỗi năm.
Trong khi đó, dịch opioid (nạn sử dụng thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện hay còn gọi là á phiện) hiện nay tại Mỹ cướp đi mạng sống khoảng 70.000 người mỗi năm. Dĩ nhiên, con số 17.000 và 70.000 ca tử vong mỗi năm đều được coi là rất nhiều nhưng cả hai căn bệnh này vẫn chưa được gọi là đại dịch và xã hội chúng ta vẫn phải chấp nhận sống chung với các con số tử vong này.
Trong khi đó, số lượng tử vong vì Covid-19 tại Hoa Kỳ có thể xem là chấp nhận được nếu tương đương với cúm mùa (khoảng 30-80.000 ca tử vong mỗi năm).