Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng quý I/2024, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 7,06 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ đạt 6,68 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt mức tăng 36% so với cùng kỳ lên 2,25 triệu tấn. Giá thép trong nước cũng hồi phục từ mức đáy 3 năm và liên tục tăng trong giai đoạn này.
Sang quý II, quý III, ngành thép trầm lắng trở lại, nhưng nhìn chung vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu quý IV, ngành thép đón nhận lực đỡ quan trọng đến từ "sức nóng" của thép Trung Quốc. Vào thời điểm này, giá thép đã phục hồi từ mức đáy nhiều năm và thậm chí leo lên mức đỉnh 3 tháng. Giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt cũng liên tục tăng cao.
Theo đó, giá thép trên thị trường nội địa cũng bắt đầu tăng trở lại kể từ cuối tháng 9. Sau nhiều lần điều chỉnh tăng liên tiếp, hiện giá thép ổn định quanh vùng giá 14 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Cuối tháng 10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc theo đó tạo đà tiêu thụ thép tốt hơn.
Với tình hình hiện tại, theo báo cáo triển vọng ngành thép năm 2025 với tiêu đề "Động lực tăng trưởng chính đến từ kênh nội địa", các chuyên gia của SSI Research nhận định, nhu cầu nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu có thể chậm lại.
Cụ thể, nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do sự gia tăng các rào cản thuế trên toàn cầu.
Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn bao gồm các tuyến cao tốc (cả Bắc Nam, và cả Đông - Tây để kết nối tốt hơn), các sân bay và cảng biển (như Cần Giờ ở TP.HCM và cảng Nam Đồ Sơn ở Hải Phòng), và đường sắt.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi 1,2% trong năm 2025 sau khi giảm 0,9% trong năm 2024. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính, như Châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN, dự kiến sẽ tăng từ 2% đến 3,5% so với cùng kỳ do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Tuy nhiên, xuất khẩu thép có thể đối mặt với nhiều áp lực hơn từ chính sách bảo hộ trên toàn cầu. Một trong những vụ việc đáng chú ý là cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đối với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác.
Đánh giá về triển vọng ngành thép, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho hay, năm nay, ngành thép Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi và dần ổn định trở lại sau thời gian dài lao dốc. Các dữ liệu phục hồi chủ yếu vẫn so sánh dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Do vậy, trong ngắn hạn, ngành thép nước ta chưa thể bứt phá sang giai đoạn tăng trưởng mới và dự kiến tiếp tục diễn biến trầm lắng, ít nhất là trong nửa đầu năm sau. Nhưng xét về mặt cơ hội thì đây có thể coi là thời gian để ngành thép Việt Nam nỗ lực cải thiện và tìm kiếm hướng đi bền vững hơn trong tương lai.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, Việt Nam thu về 8,75 tỷ USD từ việc xuất khẩu 12,16 triệu tấn sắt thép, tăng 10,4% về kim ngạch và 15,8% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu sắt thép năm 2024 có thể đạt 9 tỷ USD và tiến gần mốc 11 tỷ USD từng đạt được.