Nhiều thị trường nâng tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu

14/01/2025 12:31

Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với các quy định và hàng rào kỹ thuật mới của hàng loạt nước châu Âu khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này.

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2024 đạt kỷ lục mới với 786,3 tỷ USD. So với năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tăng hơn 105 tỷ USD.

Nhiều thị trường nâng tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Chính Phủ

Năm 2025, mục tiêu đề ra là kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 10-12% so với năm 2024.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang nhiều thị trường đang đối diện với những rào cản mới mà doanh nghiệp buộc phải đối diện để vượt qua. 

Đơn cử, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Vương quốc Anh là một trong những thị trường xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm lớn của Việt Nam. 

Song gần đây, Anh liên tục có những thông báo lên WTO về việc dự kiến áp dụng mức dư lượng tối đa (MRL) với một số hoạt chất như fludioxonil, isotianil, flonicamid… trong các sản phẩm nhập khẩu như xoài, đu đủ, các loại hạt, đậu không vỏ…

Hoặc đối với thị trường EU, Ủy ban châu Âu đã công bố Quy định của Ủy ban (EU) 2024/2462 về việc bổ sung Mục 79 mới vào Phụ lục XVII của Quy định (EC) số 1907/2006 (Quy định REACH) liên quan đến axit undecafluorohexanoic (PFHxA), các muối của nó và các chất liên quan đến PFHxA. Quy định này đặt ra các hạn chế đối với PFAS này trong nhiều sản phẩm khác nhau như: Hàng dệt may, giày dép, bao bì thực phẩm, bọt chữa cháy… Theo đó, chất hóa học 'PFHxA' và các sản phẩm có chứa chất này (bao gồm hàng dệt may và giày dép) sẽ bị cấm ở EU.

Một lệnh cấm khác cũng được EU mới áp dụng là ngày 20/12/2024, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng thông báo ban hành lệnh cấm sử dụng bisphenol A (BPA), trong các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm và đồ uống.

Theo các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng tại châu Âu nói chung đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường và bền vững.

Do đó, để duy trì tăng trường xuất khẩu sang khu vực thị trường này, ngoài yếu tố chất lượng và giá cả, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, đầu tư cải thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục cập nhật các quy định, chính sách liên quan từ các nước khu vực này để tránh rủi ro, đi kèm với chiến lược xuất khẩu phù hợp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mở rộng vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tiếp theo xác định 3 nhóm việc cần phải làm. 

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao tuyên truyền nhận thức về những quy định mới về xanh, số, phát triển bền vững cùng với đó là trách nhiệm xã hội. 

Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao việc tuân thủ quy định mới cho các doanh nghiệp và hiệp hội, ngành hàng chịu tác động dấu chân carbon thì chúng tôi sẽ thiết kế các chương trình để kiểm toán khí thải carbon; hỗ trợ doanh nghiệp các công cụ để đo lường. 

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, dệt may, da giày sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, nguyên liệu liên quan đến môi trường, Bộ cũng thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật khác nhau tùy theo đặc thù mỗi doanh nghiệp.

An Mai (t/h)