Nguyên tắc điều trị Covid-19 tại Việt Nam

24/03/2020 23:44

Theo quy định của Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung là phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bệnh nhi 3 tháng tuổi được BV Nhi T.Ư cho xuất viện về theo dõi tại tuyến huyện (Ảnh: Mạnh Thắng)

Các chuyên gia Bộ Y tế khẳng định: "Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính".

Theo quy định của Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung là phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp nghi ngờ bệnh, cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy mẫu bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định nCoV. Trường hợp bệnh xác định, cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn.

Để điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn:

Với phòng điều trị bệnh nhân:

Phòng cần được đảm bảo thông thoáng. Có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh như đèn cực tím (nếu có).

Đối với người bệnh:

Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý. Súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường.

Giữ ấm. Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

Cách thức điều trị:

Thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc.

Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.

Người bệnh nặng, nguy kịch cần áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc.

Bệnh nhân sốt cao, hạ sốt bằng paracetamol liều 10-15 mg một kg một lần, không quá 60 mg một kg một ngày cho trẻ em và không quá 2 gam một ngày với người lớn.

Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.

Các biện pháp điều trị khác như sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, corticosteroids toàn thân, lọc máu ngoài cơ thể, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (IVIG), phục hồi chức năng hô hấp...

Phác đồ điều trị còn dựa trên tình trạng từng bệnh nhân

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ cho bệnh nhân súc họng bằng dung dịch sát khuẩn.

"Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập cách này, nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về săn sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt của Việt Nam", bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết. Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công 2 bệnh nhân Covid-19.

Các khuyến cáo của WHO cũng chưa từng áp dụng cách súc họng. Quan trọng nhất là bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe bệnh nhân, áp dụng tất cả kinh nghiệm điều trị lâm sàng để phát hiện sớm biến chứng và ngăn ngừa.

Ngoài ra, bác sĩ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh nhân như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mạn tính kèm theo nếu có.

Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò thường quy, tùy từng tình trạng người bệnh để chẩn đoán, tiên lượng, và theo dõi người bệnh.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở điều trị cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu như máy theo dõi độ bão hòa oxy, hệ thống/bình cung cấp oxy, thiết bị thở oxy, mặt nạ, dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi...

Trường hợp bệnh nhân thiếu oxy nặng, dai dẳng hoặc thất bại với các biện pháp điều trị thông thường, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định và sử dụng các kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho từng trường hợp cụ thể. Phương pháp ECMO chỉ được thực hiện ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện triển khai.

Hằng Vương

"https://thuonghieucongluan.com.vn/nguyen-tac-dieu-tri-covid-19-tai-viet-nam-a91161.html"

Bạn đang đọc bài viết "Nguyên tắc điều trị Covid-19 tại Việt Nam" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG.