Nguy cơ "khủng hoảng thừa" mặt bằng trung tâm thương mại

14/09/2024 09:42

Giữa bối cảnh công suất thuê giảm, nguồn cung cũng được dự báo tăng mạnh, giá liên tục leo thang, nhiều người lo ngại mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại có thể đối diện với một cuộc “khủng hoảng thừa”.

Theo báo cáo mới nhất của Savills, công suất thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong nửa đầu năm 2024 đạt 84%, giảm 3% so với đầu năm và 2% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu khối đế bán lẻ ghi nhận mức tăng 7% theo năm, thì công suất các trung tâm thương mại lại giảm 4%.

Nguồn: Saigon Times

Mặt bằng trung tâm thương mại đối diện "khủng hoảng thừa". Nguồn: Saigon Times

Công suất thuê có dấu hiệu đi xuống nhưng nguồn cung bất động sản bán lẻ vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Nguồn cung tại TP.HCM đạt gần 1,5 triệu m2 diện tích cho thuê trong nửa đầu năm 2024, tăng 2% theo quý. Dự kiến đến năm 2026, thị trường sẽ có hơn 188 nghìn m2 sàn từ 12 dự án.

Trong khi đó, tại Hà Nội, tổng nguồn cung giảm 1% trong quý gần nhất (so với quý liền kề), nhưng vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, nguyên nhân chủ yếu do chuỗi mặt bằng Robin Department Store dừng hoạt động. Trong 5 năm trở lại đây, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm.

Tuy nhiên nhiều trung tâm thương mại mới vẫn gặp không ít thách thức trong việc giải "bài toán" lấp đầy khách thuê. 

Hơn nữa, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam) nhận định, “miếng bánh” thị phần mặt bằng bán lẻ lại càng khốc liệt hơn khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu có tiềm lực mạnh đang "nhảy" vào thị trường Việt Nam đầy hấp dẫn.

Chẳng hạn, mới đây, dự án WTC Gateway của chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP - Becamex IDC dự kiến triển khai tại thành phố mới Bình Dương đang thu hút sự chú ý đặc biệt khi được giới thiệu sẽ là trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Trước Becamex IDC, THACO liên tiếp đưa vào vận hành các trung tâm thương mại và đại siêu thị tầm cỡ. Sau khi tung “bom tấn” Emart thứ 3 tại TP.HCM, ông lớn này dự kiến tiến ra Hà Nội.

Bên cạnh Becamex IDC và THACO, thị trường trung tâm thương mại đang có sự hiện diện của hàng loạt doanh nghiệp có tiềm lực hùng mạnh. Đơn cử, dự án có tổng diện tích sàn lớn bậc nhất hiện nay là Vincom Mega Mall Royal City (Hà Nội) với tổng cộng 230.000 m2 sàn cho thuê. Kế đến là Vincom Mega Mall Times City (Hà Nội) có tổng diện tích hơn 200.000 m2.

Giữa bối cảnh công suất thuê giảm, nguồn cung cũng được dự báo tăng mạnh, giá liên tục leo thang, nhiều người lo ngại thị trường trung tâm thương mại có thể đối diện với một cuộc “khủng hoảng thừa”.

Các chuyên gia của Savills cho rằng để giải bài toán lấp đầy, nâng sức cạnh tranh, các chủ đầu tư cần có chiến lược danh mục khách thuê bài bản. Các dự án cần đảm bảo cân bằng giữa các nhóm mua sắm tiêu dùng, vui chơi giải trí, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường để thu hút khách thuê.

Minh An (t/h)