Báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, đến cuối năm 2024, đàn lợn ở nước ta tăng lên 32 triệu con - số đầu con cao nhất trong 5 năm lại đây.
Số thịt lợn xuất chuồng đạt 53,53 triệu con, tương đương trên 5,18 triệu tấn thịt lợn hơi (chiếm 62,6% tổng sản lượng thịt các loại của cả nước). Hiện, tỷ trọng thịt lợn trong cơ cấu tổng sản lượng thịt của Việt Nam cao hơn so với tỷ trọng thịt lợn trên toàn thế giới (khoảng 40%).
Năm 2024, với sản lượng thịt hơi trong nước đạt xấp xỉ 5,2 triệu tấn, Việt Nam chiếm 4,3% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm.
Đặc biệt, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về tiêu thụ thịt lợn.

Việt Nam nằm top đầu thế giới tiêu thụ thịt lợn. Ảnh: Internet
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn là chủ đề được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu thịt lợn tăng cao, giá lợn hơi tăng lên 63.000-67.000 đồng/kg. Đáng lưu ý, giữa tháng 3 vừa qua, giá lợn hơi ghi nhận mức 83.000 đồng/kg rồi giảm dần xuống 66.000-76.000 đồng/kg.
Trên bình diện quốc tế, năm 2025 sẽ là năm có nhiều biến động bất lợi đối với ngành chăn nuôi lợn toàn cầu như: Sự tăng giảm sản lượng không đều tại các quốc gia, sự biến động khó lường của giá thức ăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng thay thế thịt lợn bằng các loại thịt khác có lợi cho sức khỏe ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y, nếu áp dụng công nghệ mới và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện cũng thuộc top đầu thế giới.
Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, nhưng khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Mức giá hiện tại cũng thúc đẩy người chăn nuôi tái đàn, gia tăng sản lượng thịt lợn.
Ngoài ra, thị trường có thể điều tiết bằng lượng thịt lợn nhập khẩu, hiện chủ yếu từ Nga, Brazil, Đức, Hà Lan, Ba Lan…
Số liệu thống kê nhanh cho thấy, tính đến ngày 25/3/2025, Việt Nam nhập khẩu 32.900 tấn thịt và 30.500 tấn phụ phẩm ăn được từ lợn, cao hơn 38% so với lũy kế cùng kỳ năm 2024. Nga đang là đối tác cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 22% tổng lượng nhập khẩu.