Báo cáo quý đầu năm nay của Ngân hàng UOB Việt Nam đưa ra dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các cấu phần chính trong rổ hàng hóa tính toán Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như giá nhiên liệu, lương thực thực phẩm, chi phí y yế giáo dục, tỷ giá... đang tiếp tục chịu áp lực tăng.
Các diễn biến nóng trên toàn cầu như xung đột chiến tranh, rủi ro vận tải biển, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây áp lực lên lạm phát.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ tại UOB Việt Nam dự báo lạm phát quý II tiếp tục dao động trong khoảng 3,5-4% và lạm phát cả năm nay sẽ ở mức 3,8%.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, nhưng nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch COVID thì thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm.
Từ nhận định đó, ngân hàng này cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
"Chúng tôi cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỉ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế", ông Đinh Đức Quang nhận định.
Các báo cáo gần đây của UOB cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đặc biệt chỉ số việc làm mới và tăng lương, đi kèm mức lạm phát dai dẳng tiếp tục dấy lên câu hỏi về thời điểm rõ ràng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.
Thị trường vẫn kỳ vọng mạnh mẽ việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2-3 lần trong năm nay. Nhưng rõ ràng là lãi suất USD sẽ tiếp tục ở mức cao kéo dài hơn đủ để Fed có thời gian đưa lạm phát Mỹ trở lại quỹ đạo dưới 2% hàng năm.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức rất cao, quanh 4,5%, cho thấy các nhà đầu tư vẫn nhận định lãi suất USD sẽ không giảm quá nhanh trong ngắn và trung hạn.
Với lãi suất USD neo ở mức cao như thế sẽ gây áp lực lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động ngoại thương với Mỹ cũng như thu hút vốn đầu tư từ Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thực tế, đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, sẽ thấy mức giảm giá khoảng 3% từ đầu năm 2024 đến nay của VNĐ nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình.
Báo cáo của UOB cho thấy VNĐ, và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VNĐ sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.