Nhìn lại 3 tháng đầu năm, báo cáo quý 1/2021 của Hội môi giới BĐS Việt Nam đã chỉ ra, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ở phân khúc đất nền hiện tượng giá đất tăng đột biến xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.
Theo ghi nhận từ các các địa phương, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Trước luồng ý kiến cho rằng tín dụng chảy vào bất động sản làm cho lĩnh vực này nóng lên, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam trả lời phỏng vấn VTV cho biết:
"Trong 3 năm vừa qua, tín dụng vào bất động sản có chiều hướng giảm xuống. Ba tháng đầu năm 2021 tăng đến nay khoảng 3%, tương đương mức tăng trưởng tín dụng nói chung. Tất nhiên so với cuối tháng 3 năm 2020 tăng cao hơn bởi vì năm 2020 là năm chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Covid-19. Nhưng nếu so cùng thời điểm với năm 2018, 2019 thì không cao hơn thậm chí thấp hơn.
Như vậy chúng tôi đánh giá rằng mức tăng tín dụng cho bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến cho bất động sản tăng giá nóng như hiện nay tại một số địa phương.
Trong thời gian vừa qua, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều nguyên nhân như: thông tin về quy hoạch, những dự án lớn sắp sửa được đầu tư xây dựng. Nguyên nhân giá đất tại các địa phương được công bố vừa qua."
Ngoài ra ông Tú cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiểm soát, thắt chặt nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản. Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn. Hiện nay các ngân hàng thương mại chỉ được cho vay tối đa theo Thông tư 08 là 40%.
Thứ 2 là áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro tương đối lớn là khoảng 150% cho những khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi giám sát rất chặt việc tăng trưởng tín dụng, cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó thì Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải tăng cường quản lý việc cho vay, đảm bảo đúng đối tượng để tránh việc vay vì những lý do khác nhưng bản chất thì lại đầu tư vào bất động sản.
"Để phát triển được một thị trường bất động sản lành mạnh, không bị bong bóng, đảm bảo an toàn cho vĩ mô chúng tôi thấy rằng ngoài việc kiểm soát chặt dòng tiền phía Ngân hàng nhà nước của các Tổ chức tín dụng thì cũng cần có những chính sách đồng bộ của các Bộ ngành có liên quan đối với thị trường bất động sản", ông Tú khẳng định.